Trung Quốc có S-400, Iran nhận S-300, Nga gieo ác mộng?

10:47, 13/11/2015
|

(VnMedia) - Trung Quốc sắp có trong tay các tên lửa phòng không tối tân S-400 và Iran sắp nhận được những tên lửa S-300 thiện chiến đầu tiên. Đây là thông tin thực sự gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Tên lửa S-400
Tên lửa S-400

 

Trung Quốc sẽ nhận được S-400 sớm nhất trong một năm nữa

Một nguồn tin trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật của Nga hôm qua (12/11) đã tiết lộ, Trung Quốc sẽ nhận được những hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 sớm nhất là trong vòng một năm hoặc một năm rưỡi nữa.

"Việc bàn giao S-400 cho Trung Quốc theo kế hoạch sẽ được thực hiện không sớm hơn một năm nữa, hoặc nhiều khả năng sẽ là trong một năm rưỡi nữa”, nguồn tin giấu tên trên cho hay. Thông tin về việc Bắc Kinh ký được hợp đồng mua S-400 của Nga chính thức được đưa ra vào mùa xuân năm nay.

"Tôi sẽ không tiết lộ các thông tin chi tiết xung quanh hợp đồng, nhưng thực sự Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên mua được các hệ thống tên lửa phòng không tối tân nhất của Nga. Điều này đã chứng tỏ cấp độ chiến lược trong quan hệ của chúng tôi”, Tổng Giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport - ông Anatoly Isaykin đã phát biểu như vậy hồi tháng Tư.

Có tin Ấn Độ cũng đang có kế hoạch mua 12 tên lửa S-400 của Nga.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga trước đây luôn khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400  và rằng tổ hợp tên lửa phòng không thiện chiến này chỉ để dành riêng cho Lực lượng Vũ trang Nga.

Chính vì thế, thông tin Nga bán vũ khí bảo bối S-400 ra bên ngoài đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Người ta còn choáng váng hơn khi biết tin nước đầu tiên được mua S-400 của Nga lại là Trung Quốc - nước mà bao lâu nay Moscow luôn né tránh bán những thứ vũ khí tối tân của họ. Nga luôn sợ rằng các công nghệ vũ khí hàng đầu của họ sẽ bị phía Trung Quốc sao chép như họ đã từng làm trong quá khứ.

Lý do gì mà Moscow phải đi một “nước cờ liều lĩnh” như vậy? Tất cả chỉ có thể được giải thích bằng việc Nga muốn phá vỡ thế bị cô lập, bao vây mà phương Tây đang tạo ra đối với nước này vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chỉ vì muốn ve vãn, lôi kéo Trung Quốc, Nga buộc phải chìa vũ khí hàng đầu S-400, bất chấp những quả đắng mà họ từng phải hứng chịu trong các hợp đồng vũ khí giữa hai nước trong quá khứ.

S-300 chính thức vào tay Iran trong tháng Ba năm 2016

Bộ trưởng Quốc phòng Iran - Thiếu tướng Hossein Dehghan mới đây tiết lộ, nước này sẽ chính thức có trong tay những hệ thống tên lửa S-300 mà họ thèm muốn bao lâu nay vào tháng Ba năm sau.

S-300, còn được gọi là SA-20, được xem là một trong những hệ thống tên lửa đối không hiệu quả nhất thế giới. Nó có thể bắn hạ các máy bay chiến đấu và các loại tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp. S-300 với tầm bắn hơn 200km có khả năng theo dõi đồng thời hơn 100 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc. Phương Tây luôn nơm nớp lo sợ trước việc Nga bán siêu tên lửa S-300 cho các nước Trung Đông, trong đó có Iran và Syria.

Năm 2007, Nga đã ký một hợp đồng bán cho Iran các hệ thống S-300 với trị giá lên tới 800 triệu USD. Phía Iran đã trả trước cho Nga khoản tiền 166,8 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đóng băng năm 2010, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt Tehran. Nghị quyết trên quy định việc hạn chế cung cấp các loại vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa và hệ thống tên lửa tấn công, xe tăng, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu, tàu chiến cho Iran.

Ngày 22/9/2010, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã chính thức ký sắc lệnh ngừng hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran. Lý do được ông Medvedev đưa ra, là việc Nga cung cấp những tên lửa tinh vi S-300 cho Iran sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo.

Giờ đây, với sắc lệnh vừa mới được Tổng thống Putin ký cách đây vài tháng, Nga bắt đầu xúc tiến việc chuyển giao S-300 cho Iran.

Việc Nga bán S-400 cho Trung Quốc, chuyển giao S-300 cho Iran được xem là đòn trả đũa nhằm vào phương Tây. Tuy nhiên, hậu quả của bước đi này sẽ là khó lường!


Ý kiến bạn đọc