Trung Quốc bị "dồn vây" giữa hội nghị ASEAN

14:21, 24/11/2015
|

(VnMedia) - Trung Quốc đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích mới vì tham vọng Biển Đông tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa diễn ra hồi cuối tuần ở Malaysia.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Các nhà lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương với Trung Quốc gặp nhau ở Malaysia và nhận thấy họ đang ở trên “tuyến lửa” vì những dự án bồi đắp, cải tạo trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây là những dự án nhằm biến các bãi cạn, bãi san hô nhỏ bé thành một loạt đảo nhân tạo hoàn chỉnh có tiềm năng quân sự.

"Thế giới đang dõi theo” để xem xem liệu Bắc Kinh có hành xử giống với “một nhà lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm hay không” trong cuộc đối đầu ở Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã phát biểu như vậy trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo.

Hội nghị của 10 nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có sự tham gia của các đối tác gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay các dự án cải tạo, bồi đắp ở Biển Đông. Ông này thông báo sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN đến tham dự một cuộc họp ở Mỹ vào năm tới.

"Khu vực này rất quan trọng đối với an ninh, sự thịnh vượng và giá trị của con người trên khắp thế giới”, ông Obama phát biểu đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ thương mại, ngoại giao và an ninh với khu vực ASEAN.

Mùa hội nghị thượng đỉnh hàng năm, bắt đầu là hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hơn một tuần, và sau đó là các diễn đàn khu vực ở Manila và Kuala Lumpur, đã bị bao phủ bởi một loạt những vụ tấn công khủng bố đẫm máu và kinh hoàng xảy ra gần đây, đặc biệt là vụ ở thủ đô Paris của nước Pháp.

Tuy nhiên, sự chú ý ở Malaysia đã nhanh chóng chuyển sang các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là những hành động làm gia tăng nguy cơ gây xung động trên biển.

Sau Tổng thống Philippines, Tổng thống Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng lên tiếng kêu gọi các bên không được quân sự hoá ở Biển Đông - nơi có tuyến đường biển quan trọng hàng đầu của thế giới. Dù không chỉ đích danh cái tên Trung Quốc nhưng rõ ràng ông Abe đang ám chỉ đến Bắc Kinh.

Bắc Kinh đã tỏ ra rất tức giận trước việc Mỹ và Nhật Bản ủng hộ cho những đòi hỏi chủ quyền của các nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông. Một lần nữa, tại Kuala Lumpur, Trung Quốc vẫn quyết không chịu lùi bước trong vấn đề mà họ miêu tả là “lợi ích cốt lõi” này.

Với sự có mặt của Tổng thống Obama, Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang đã phát biểu tại hội nghị kín rằng, các nước “ở bên ngoài khu vực” nên ngừng đốt thêm căng thẳng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin còn chỉ trích việc Mỹ triển khai tàu chiến đến Biển Đông, miêu tả đó là một hành động khiêu khích mang tính chính trị. Tuy nhiên, Washington khẳng định, hành động của họ là nhằm nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, cụ thể là ở những khu vực mà Trung Quốc đang tự nhận là thuộc chủ quyền của mình.

Trung Quốc đã “giơ ra củ cà rốt” để ve vãn ASEAN bằng cách thông báo một khoản vay hạ tầng lớn lên tới khoảng 10 tỉ USD cho các nước trong khu vực.

Tuy vậy, ASEAN ngày càng công khai thể hiện quan điểm trong vấn đề Biển Đông hơn. Hiệp hội này đã ra một tuyên bố chung nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì sự tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.

ASEAN cũng kêu gọi đẩy nhanh tiến trình đạt được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Bắc Kinh. Trung Quốc bị cáo buộc đang cố tình làm chậm lại tiến trình trên để tìm cách câu giờ, thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông và dần đặt mọi việc vào thế đã rồi.

Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và các công trình trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối, đối phó và đáp trả một cách quyết liệt và mạnh mẽ chưa từng có của các nước láng giềng cũng như của các cường quốc lớn trên thế giới.

Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự. Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.


Ý kiến bạn đọc