Quân Mỹ sắp ồ ạt tiến vào Syria?

17:01, 11/11/2015
|

(VnMedia) - Để biện minh cho quyết định của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong việc điều các “cố vấn” trong Lực lượng Đặc nhiệm đến Syria, Tư lệnh Không quân Mỹ cho rằng, “việc triển khai quân trên lãnh thổ Syria” là bước đi cần thiết trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James
Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James

 

Trước đó, hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo, Lầu Năm Góc đã sẵn sàng công khai xem xét khả năng triển khai thêm bộ binh đến Syria. Lực lượng mới này sẽ làm tăng số lượng binh lính Mỹ đưa vào chiến trường Syria. Hiện tại, chính quyền của ông Obama đã tung 50 “cố vấn” vào lãnh thổ quốc gia Trung Đông.

"Nếu chúng tôi nhận thấy có thêm nhiều nhóm sẵn sàng chống IS và các nhóm đó có khả năng, có động lực, chúng tôi sẽ hành động nhiều hơn", Bộ trưởng Carter phát biểu với hãng tin ABC News. Ông chủ Lầu Năm Góc còn nói thêm rằng: "Tổng thống đã ám chỉ sẵn sàng làm thêm nhiều việc. Tôi chắc chắn sẵn sàng đề xuất ông ấy hành động nhiều hơn nữa nhưng các bạn cần phải có các lực lượng địa phương đủ mạnh, có năng lực. Đó là chìa khóa cho những chiến thắng bền vững”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James, những lực lượng địa phương là vô cùng cần thiết trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố IS.

"Sức mạnh không quân là cực kỳ quan trọng. Sức mạnh đó có thể làm được rất nhiều việc nhưng không phải là tất cả mọi thứ”, bà James cho biết tại Triển lãm Hàng không Dubai. Trong trường hợp chiến dịch không kích của Mỹ, điều này dường như là đúng. Trong bài viết được đăng tải trên tờ National Interest, Trung tướng nghỉ hưu Daniel L. Davis đã thẳng thắn chỉ ra rằng, liên minh do Mỹ dẫn đầu “đã chứng tỏ họ là một thất bại toàn diện”.

Trong bối cảnh liên quân phương Tây đang hoạt động mà không được sự cho phép của chính quyền hợp pháp của Syria, họ thiếu sự giúp đỡ, hậu thuẫn từ quân đội Syria ở dưới mặt đất. Nhưng trong vấn đề triển khai bộ binh, bà James cũng chẳng che giấu mục tiêu thực sự của Mỹ ở Syria.

"Rốt cuộc, những cuộc không kích không thể chiếm được lãnh thổ và rất quan trọng là không thể quản lý lãnh thổ. Đây là lý do chúng ta cần đưa bộ binh vào Syria. Chúng ta cần lực lượng bộ binh ở đây trong chiến dịch này”, Bộ trưởng Không quân Mỹ thẳng thừng nhấn mạnh.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành chiến dịch không kích chống IS từ hơn một năm nay nhưng không có mấy thành công.

Bất chấp cam kết sẽ giữ quân Mỹ tránh xa bất kỳ chiến trường nào thêm nữa ở Trung Đông, Tổng thống Barach Obama hồi tháng trước đã bất ngờ thông báo triển khai 50 thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đến Syria để “cố vấn và trợ giúp”.

Theo tiết lộ gần đây, các lực lượng Mỹ hoạt động dưới danh nghĩa cố vấn, huấn luyện ở Iraq trên thực tế đang tiến hành những cuộc đột kích chống khủng bố. Vì vậy, có ít lý do để tin rằng các chiến dịch của lực lượng Mỹ trên mặt đất ở Syria sẽ hoạt động khác đi.

Cũng rất khó để tưởng tượng rằng, Lầu Năm Góc sẽ thành công trong mục tiêu “tìm thêm được các nhóm địa phương sẵn sàng chống IS”. Phát biểu của giới chức Mỹ rõ ràng là kỳ lạ khi nhớ đến thất bại cay đắng gần đây của chính quyền Obama trong chiến lược đào tạo và trang bị cho cái gọi là “phe nổi dậy ôn hòa Syria” để họ chống IS. Chương trình này đã hoàn toàn bị phá bỏ sau khi Mỹ chỉ tìm thấy rất ít các cá nhân phù hợp để họ đào tạo, trang bị vũ khí. Thất bại trên là một phần lý do khiến Mỹ ngày càng tỏ ra quyết tâm đưa quân vào Syria.

Một lý do khác quan trọng hơn nữa là Mỹ rất sợ Nga thành công ở chiến trường Syria. Đây sẽ là một kết quả khiến Washington cảm thấy bẽ mặt và mất uy tín. Ngoài ra, Mỹ còn sợ mất đi ảnh hưởng, lợi ích ở khu vực Trung Đông then chốt.

Với tất cả những lý do ở trên, cùng với những phát biểu gần đây của giới chức Mỹ, người ta có cảm giác chính quyền của Tổng thống Obama đang rất nóng lòng muốn đưa bộ binh vào Syria. Phải chăng, không lâu nữa, quân Mỹ sẽ là ồ ạt, rầm rập kéo đến Syria? Nếu điều này xảy ra, Mỹ đã tự đưa mình dính líu vào cuộc chiến tranh thứ ba trong khu vực và chắc chắn cuộc chiến này sẽ chẳng kém phần phức tạp, rắc rối như hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan mà Mỹ từng mắc kẹt trong đó suốt hơn một thập kỷ.


Ý kiến bạn đọc