Putin khoe vũ khí khiến lá chắn tên lửa Mỹ "khóc thét"

08:59, 11/11/2015
|

(VnMedia) - Nga sẽ chống lại chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ bằng việc triển khai các vũ khí tấn công mới có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa. Thông tin này vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ ngày hôm qua (10/11).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhà lãnh đạo Putin đã nói với các quan chức quốc phòng Nga rằng, bằng cách triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, Washington muốn hướng tới mục tiêu “vô hiệu hóa” khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga và “giành được ưu thế quyết định về mặt quân sự”. Tuy nhiên, ông chủ điện Kremlin tuyên bố, Moscow sẽ đáp trả bằng cách phát triển “các hệ thống tấn công có khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào".

"Trong hơn 3 năm qua, những công ty thuộc tổ hợp công nghiệp-quân sự của chúng tôi đã tạo ra và thử nghiệm thành công một số vũ khí triển vọng có khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng, nhiều lớp. Những hệ thống đó đã bắt đầu được đưa vào biên chế trong quân đội của chúng tôi trong năm nay. Và giờ chúng tôi đang bàn đến việc phát triển các loại vũ khí mới”, ông Putin tự hào cho biết.

Giữa Nga với NATO và Mỹ từ lâu đã đối đầu với nhau về vấn đề lá chắn tên lửa. Moscow phản đối mạnh mẽ việc Mỹ muốn dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu vì coi hệ thống này là mối đe dọa đối với an ninh nước Nga. Moscow tin rằng, hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ cuối cùng là nhằm để vô hiệu hóa sức mạnh của những tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Đáp lại, Washington luôn khẳng định, hệ thống lá chắn tên lửa của họ chỉ nhằm vào Iran và Triều Tiên, không nhằm vào Nga. Mỹ cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ không đủ khả năng để đối phó với kho vũ khí hạt nhân đáng sợ của Nga.

Moscow muốn Mỹ và NATO đảm bảo bằng văn bản rằng hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ định dựng lên ở Châu Âu không nhằm vào khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã từ chối yêu cầu này. Kết quả là giới chức Nga trong nhiều năm qua liên tục đưa ra những cảnh báo và đe dọa về việc sẽ tung đòn đáp trả Mỹ và NATO. Cụ thể, ngoài việc phát triển những vũ khí có khả năng đánh bại hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ, Nga tuyên bố sẽ triển khai một loạt tên lửa ở khu vực biên giới với các nước NATO nhằm thẳng vào hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ nếu Washington cứ cố tình thiết lập hệ thống này ở Đông Âu như kế hoạch. Đáp lại, Mỹ cũng tuyên bố đầy cứng rắn là sẽ không thay đổi kế hoạch bất chấp sự phản đối của Nga.

Ngày hôm qua, ông Putin đã “tố” rằng, Mỹ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch dựng lá chắn tên lửa ở Đông Âu, bất chấp thực tế là Iran đã đạt được thỏa thuận với 6 cường quốc về chương trình hạt nhân, theo đó chính quyền nước CH Hồi giáo đã chấp nhận kiềm chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

"Vì vậy, lý do về mối đe dọa tên lửa từ Iran và Triều Tiên thực chất chỉ là cái vỏ bọc cho kế hoạch đằng sau đó. Nhiệm vụ thực sự của kế hoạch này là vô hiệu hóa sức mạnh hạt nhân của các cường quốc hạt nhân... Nga là ví dụ cụ thể. Đáng tiếc là mối quan ngại và lời đề nghị hợp tác của chúng tôi đã bị phớt lờ", ông Putin cáo buộc.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, trong tương lai, Moscow cũng có thể phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình, nhưng hiện tại sẽ tập trung chủ yếu vào việc phát triển các vũ khí tấn công mới.

Những thông tin trên Tổng thống Putin đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga với Mỹ và NATO đang “lao dốc không phanh”, xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Syria. Mỹ và các đồng minh phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Mỹ tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Mỹ cũng gây sức ép để các nước đồng minh Châu Âu quay sang chống Nga. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời không ngừng chỉ trích và lên án Nga trên các phương tiện truyền thông thế giới.

Trong vấn đề Syria, Mỹ cùng với các đồng minh cáo buộc chiến dịch không kích của Nga không phải nhằm vào lực lượng IS như Moscow tuyên bố mà nhằm vào phe nổi dậy Syria. Phương Tây tin rằng, Nga can thiệp quân sự vào Syria với mục đích chính là để hậu thuẫn, củng cố quyền lực cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad

Moscow bác bỏ mọi lời cáo buộc trên. Có thể nói, quan hệ giữa Nga và Mỹ chưa bao giờ xấu như lúc này, khi họ đối đầu trên một loạt “mặt trận” mới trong khi vẫn chưa thể giải quyết được những mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc trước đó về vấn đề lá chắn tên lửa, nhân quyền....


Ý kiến bạn đọc