Lãnh đạo các cường quốc tuyệt vọng "ve vãn" Putin

06:56, 17/11/2015
|

(VnMedia) - Các nhà lãnh đạo thế giới đã xếp hàng tìm cách ve vãn Tổng thống Nga Vladimir Putin để ông ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố khét tiếng ghê rợn mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Vị thế của ông chủ điện Kremlin đã đảo chiều một cách ngoạn mục, từ chỗ bị ghẻ lạnh, cô lập, ông Putin hiện giờ đang trở thành niềm hy vọng, thậm chí là “vị cứu tinh” cho giới lãnh đạo các cường quốc vốn đang tuyệt vọng, bối rối trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố.

Tổng thống Putin (bên trái) và Tổng thống Obama trong cuộc gặp hôm 15/11 vừa rồi
Tổng thống Putin (bên trái) và Tổng thống Obama trong cuộc gặp hôm 15/11 vừa rồi

Trong suốt hơn một năm qua, quan hệ giữa Mỹ với phương Tây và Nga đã bị đóng băng nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hai bên đã đối đầu nhau gay gắt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, hiện giờ, Nhà lãnh đạo nước Nga đang được xem là chìa khóa để giải quyết cuộc nội chiến ở Syria – cuộc chiến được cho là mở đường cho sự nổi lên đáng sợ của IS.

Thay vì né tránh hoặc tỏ ra lạnh nhạt với Tổng thống Putin, tại cuộc họp thượng đỉnh 20 lần này, một loạt các nhà lãnh đạo thế giới gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud... đều tay bắt mặt mừng và chụp ảnh chung đầy thân mật với ông chủ điện Kremlin.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Putin bên lề hội nghị G20 hôm 15/11 “mang một sức nặng rất lớn”, tờ Bloomberg của Mỹ nhận xét. Tờ Bloomberg đặc biệt chú ý đến ảnh hưởng của ông Putin tại hội nghị G20 lần này, khác xa so với ở hội nghị G20 năm ngoái diễn ra ở Australia.

Cuộc hội ý riêng đầy bất ngờ bên bàn cà phê ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ giữa ông Obama và ông Putin diễn ra ngay sau khi IS lên tiếng nhận trách nhiệm về loạt vụ tấn công khủng bố ghê rợn đồng loạt xảy ra ở rất nhiều khu vực của thủ đô Paris. Đây là cuộc gặp đặc biệt trong bối cảnh Nga và Mỹ đang đối đầu quyết liệt vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Syria. Hai nhà lãnh đạo Obama và Putin không hề có ý định gặp nhau tại hội nghị G20 lần này. Vì thế, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Nga cho thấy, hai bên quyết tâm gạt bỏ bất đồng để đoàn kết chống lại mối đe doạ IS đang reo rắc kinh hoàng trên khắp thế giới.

Giới truyền thông chú ý đến một sự thay đổi đặc biệt trong cuộc gặp giữa ông Obama và ông Putin lần này. Nếu như trong những cuộc gặp trước, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ thường thể hiện sự đối đầu nhau trong các cuộc gặp bằng cử chỉ ngôn ngữ thì lần này hai ông nói chuyện rất thân mật, cúi đầu sát vào nhau, thể hiện sự đồng lòng với nhau trong vấn đề IS.

Tổng thống Obama thậm chí còn đùa cợt với người đồng cấp Putin – một dấu hiệu chứng tỏ mối quan hệ đang ấm lên giữa Moscow và Washington sau nhiều tháng trời lạnh lẽo.

Phương Tây liên tiếp cáo buộc điện Kremlin dùng chiến dịch không kích chống IS làm vỏ bọc để tấn công phe nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thế giới giờ đây phải thừa nhận cũng như chấp nhận thực tế rằng họ có ít hy vọng để làm suy yếu và hủy diệt IS nếu không có sự hợp tác của Nga.

Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Nga Putin
Thủ tướng Anh Cameron và Tổng thống Nga Putin

Thủ tướng Cameron hôm qua đã đề nghị “thỏa hiệp” với Nga về tương lai của Tổng thống Syria Assad để đổi lấy việc Moscow giúp tiêu diệt IS. Sự chìa tay của Anh là rất bất ngờ bởi lâu nay Nga và Anh thực sự không ưa gì nhau.

Thủ tướng Cameron đã tận dụng cơ hội gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Putin tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ để kêu gọi Nga dùng hỏa lực tấn công IS. Nhà lãnh đạo nước Anh cũng nói rõ rằng, London sẵn sàng “thỏa hiệp” với Nga, trong đó có cả về tương lai của ông Assad – người đang được Moscow hậu thuẫn, bảo vệ.

Người ta đã thấy Thủ tướng Cameron chụp ảnh với Tổng thống Putin dù còn ngượng ngùng. Đây là lần đầu tiên trong một năm qua, hai nhà lãnh đạo Nga và Anh gặp mặt trực tiếp với nhau.

Anh cùng với Mỹ, Pháp, Đức và Italia đều đang cố gắng “cài đặt” lại quan hệ với Nga sau những căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình

Người ta hy vọng, cái chết của 224 người đi trên chiếc máy bay Metrojet Airbus của Nga ở Ai Cập hồi tháng trước sẽ giúp đảm bảo sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga trong cuộc chiến chống IS. Vụ tai nạn máy bay này được cho là do IS gây ra.

Ông Cameron đã chia buồn với Tổng thống Putin về vụ rơi máy bay Metrojet đồng thời nói rằng: “Chúng ta đang gặp nhau sau loạt vụ tấn công khủng bố ghê rợn ở Pháp và có một điều rất rõ ràng rằng, chúng ta phải làm việc, hợp tác với nhau để đánh bại bọn khủng bố đang là mối đe dọa không chỉ với Anh, với Nga mà với tất cả chúng ta”.

Tổng thống Putin và Quốc vương Ả rập Xê út, Thủ tướng Đức Tổng thống Putin và Quốc vương Ả rập Xê út, Thủ tướng Đức
Tổng thống Putin và Quốc vương Ả rập Xê út, Thủ tướng Đức

Sau cuộc gặp kéo dài một giờ đồng hồ, Thủ tướng Cameron nhấn mạnh, việc Mỹ, Anh và Ả-rập Xê-út từ chối nhượng bộ về số phận của ông Assad không phải là vấn đề “của niềm kiêu hãnh hay tính kiên quyết” mà là sự công nhận một thực tế chính trị theo đó ông ấy sẽ không được nhiều người Syria chấp nhận làm lãnh đạo. “Bất đồng giữa những người muốn ông Assad ra đi ngay lập tức với những người như Tổng thống Putin đang ủng hộ ông ta là lớn. Tôi cho rằng tất cả mọi người đều thấy là đã đến lúc chúng ta cùng phải thỏa hiệp với nhau”.


Ý kiến bạn đọc