Hai giả thuyết ớn lạnh về vụ rơi máy bay

08:11, 03/11/2015
|

(VnMedia) - Một quan chức ngành hàng không Nga hôm qua (2/11) cho rằng, chiếc máy bay chở 224 người của họ bị rơi ở Ai Cập “do ngoại lực” tác động vào máy bay. Từ nhận định này, người ta đã đưa ra một vài giả thuyết khủng khiếp nhất, ớn lạnh nhất về vụ tai nạn.

Hình ảnh một phần của chiếc máy bay gặp nạn
Hình ảnh một phần của chiếc máy bay gặp nạn

Giả thuyết 1: Một quả bom trên máy bay

"Đó có thể là một quả bom", ông Paul Rogers - một cố vấn an ninh toàn cầu và là một giáo sư của trường Đại học Bradford ở Anh, phán đoán. "Thực tế là Nga gần đây can thiệp vào Syria và... vụ việc có thể là một đòn trả thù ác độc. Thực tế là cả Ai Cập và Nga đều không muốn có sự liên quan của chủ nghĩa khủng bố trong vụ việc này".

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của điện Kremlin cũng không bác bỏ khả năng khủng bố gây ra vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Ai Cập.

Ông Smirnov - vị quan chức ngành hàng không Nga từ chối cung cấp thêm thông tin, nói rằng ông sẽ không cho biết chi tiết về vụ tai nạn khi mà cuộc điều tra còn đang được tiến hành.

Thông tin này được đưa ra một ngày sau khi ông Alexander Neradko - người đứng đầu Cơ quan Hàng không Dân sự Liên bang Nga, đã nói với cánh phóng viên rằng, những mảnh vỡ thu được từ hiện trường vụ tai nạn máy bay cho thấy chiếc máy bay này đã vỡ tung ra từ trên trời. Một Phó Tổng giám đốc của Metrojet - ông Viktor Yung, cho hay, phi hành đoàn đã không phát tín hiệu cấp cứu hay liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu trước khi vụ tai nạn xảy ra.

"Chúng tôi loại bỏ các vấn đề kỹ thuật cũng như lỗi của phi công” trong vụ việc này, ông Smirnov cho biết tại cuộc họp báo ở thủ đô Moscow khi nói đến các nguyên nhân có thể gây ra vụ tai nạn.

Giả thuyết 2: Lỗi phần đuôi máy bay

Các chuyên gia hàng không tiết lộ, nhóm điều tra có thể đang tìm hiểu về lịch sử sửa chữa của chiếc máy bay gặp nạn. Năm 2001, chiếc máy bay này từng đập đuôi xuống đường băng trong quá trình hạ cánh ở Cairo, gây ra tổn thất nhẹ đối với máy bay.

Hai chiếc máy bay khác từng bị nổ tung trên bầu trời do lỗi như nói ở trên.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, giới chức ngành hàng không Nga khẳng định, chiếc máy bay của họ ở trong tình trạng tốt, phù hợp để bay.

Giả thuyết 3: IS bắn hạ máy bay bằng một tên lửa

Sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay, nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc này.

Lời thú nhận trên của IS thật sự đã gây ra một cơn rúng động trên toàn cầu. Nhiều người nhanh chóng tin rằng, vụ tai nạn máy bay nói trên là một đòn thù thảm khốc mà IS tung vào Nga, sau khi chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch diệt trừ IS ở Syria.

Tuy nhiên, đến nay giới chức và các nhà điều tra ở cả Nga và Ai Cập đều cho rằng, không có khả năng về việc IS đã bắn rơi máy bay của Nga.

Thủ tướng Ai Cập Sharif Ismail cho biết, các chuyên gia đã xác nhận lực lượng chiến binh khủng bố không thể bắn hạ được một máy bay đang bay ở độ cao gần 10.000 mét. Vì thế, giới chuyên gia nhanh chóng bác bỏ thông tin về việc IS bắn rơi máy bay chở khách của Nga. Để bắn hạ một chiếc máy bay ở tầm cao như vậy, “bạn sẽ cần những tên lửa rất khó sử dụng. Vì thế, việc IS bắn hạ máy bay Nga là không thể”, ông Jean-Paul Troadec - cựu Giám đốc của Cơ quan Điều tra Hàng không BEA của Pháp, nhận định.

Ông Troadec khẳng định, để bắn hạ máy bay Nga "đòi hỏi phải có những người được đào tạo bài bản và có những thiết bị, vũ khí mà theo tôi biết thì IS hoàn toàn không có trong tay".

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nga Maxim Sokolov nhấn mạnh, lời thú nhận của IS “không thể được xem là một thông tin chính xác”.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc