EU bất ngờ quay ngoắt thái độ với Nga

14:38, 20/11/2015
|

(VnMedia) - Sau hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ tuần này, người đứng đầu Uỷ ban Châu Âu - ông Jean-Claude Juncker đã bất ngờ đưa ra đề xuất khôi phục lại quan hệ kinh tế giữa Nga với Liên minh Châu Âu (EU).

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu – ông Jean-Claude Juncker và Tổng thống Nga Putin
Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu – ông Jean-Claude Juncker và Tổng thống Nga Putin

"Chúng ta phải nỗ lực để có được một mối quan hệ thực tế với Nga”, ông Juncker phát biểu trong một sự kiện diễn ra ở Passau, Đức. Ông này nhấn mạnh, “chúng ta không thể tiếp tục như hiện tại”, ám chỉ đến mối quan hệ ngày một xấu đi giữa Nga và EU vì cuộc chiến trừng phạt gây thương tổn cho cả hai.

Theo lời Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Juncker, quyết định tăng cường sự hợp tác giữa Nga và EU nên được quyết định bởi chính giới lãnh đạo Châu Âu và cả giới chính khách ở thủ đô Washington – những người đã tìm cách cô lập Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Ông Juncker kiên quyết giữ vững lập trường nói trên của mình. Sau hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này, ông Juncker đã đích thân viết một bức thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông bày tỏ sự ủng hộ cho mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, gắn bó hơn giữa Liên minh Châu Âu với Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu.

"Quyết định về việc thúc đẩy con đường như vậy nằm trong tay của các nước thành viên và điều này nên được tiến hành  đồng bộ với việc thực hiện thoả thuận Minsk”, ông Juncker đã viết như vậy trong bức thư của mình.

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu cũng bày tỏ sự lấy làm tiếc về việc những sự sắp xếp như nói trên “đã không thể tiến triển trong suốt năm qua”.

Ông Juncker cho hay, ông đã yêu cầu cố vấn ngoại giao của ông - Richard Szostak tập trung vào lĩnh vực hợp tác kinh tế. “Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng, Uỷ ban Châu Âu sẽ là đối tác có ích trong tiến trình này”, ông Juncker khẳng định.

"Ý tưởng đối thoại giữa EU và Liên minh Kinh tế Á-Âu – đó là một ý tưởng lâu dài, và nó được đưa ra bởi phía Nga, bởi đây là điều cần thiết để xây dựng các mối quan hệ kinh tế và thương mại”, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.

Ông Peskov cũng nói thêm rằng, việc gắn vấn đề thiết lập mối quan hệ thương mại gắn bó hơn với các thoả thuận Minsk “là không liên quan và hầu như không thể” dựa trên thực tế rằng Kiev không mấy quan tâm đến việc thực hiện lệnh ngừng bắn Minsk.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga. 

Kểt quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.


Ý kiến bạn đọc