Clip: Màn tìm diệt mục tiêu ngoạn mục của lá chắn tên lửa Mỹ

17:21, 21/10/2015
|

(VnMedia) - Hải quân Mỹ vừa tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở châu Âu, một động thái có thể là dấu hiệu khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Hôm qua (20/10), một quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Terrier Orion đã được phóng đi từ Bãi phóng Hebrides ở Vương quốc Anh. Khi quả tên lửa bay qua vùng trời trên Đại Tây Dương, nó đã bị hai quả tên lửa hành trình chống hạm đánh chặn, trong đó, một quả được phóng đi từ tàu USS Ross đang ở xa đất Mỹ. 

Sơ đồ tác chiến của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ
Sơ đồ tác chiến của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ

Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa này là một phần trong Diễn đàn Phòng thủ Tên lửa trên biển mà Mỹ và các đồng minh như Canada, Italy, Pháp, Hà Lan, Đức, Na Uy, Tây Ban Nha và Anh là thành viên.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: "Đây là lần đầu tiên tên lửa đánh chặn dẫn dường (SM-3) Block được phóng đi từ một nơi không phải trên đất Mỹ và là lần đầu tiên chặn một mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo ở châu Âu".

Với Mỹ và các đồng minh - Canada, Italia, Pháp, Hà Lan, Đức, Na-uy, Tây Ban Nha và Anh, vụ thử trên được coi như một dấu hiệu tái khẳng định sự hợp tác.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên tàu này được thiết kế để bổ sung cho các trạm đánh chặn được thiết lập tại Romania và Ba Lan. Theo một thỏa thuận kỹ thuật được các nghị sĩ Ba Lan phê chuẩn, việc thiết lập các trạm đánh chặn ở Redzikowo sẽ được triển khai sớm nhất là vào năm 2018.

Phó Đô đốc James Foggo, Tư lệnh Hạm đội số 6 của Mỹ cho biết: “Cuộc thử nghiệm này cho thấy, với sự hợp tác và liên lạc chặt chẽ, các nước hoàn toàn có thể phòng thủ chống lại mọi tình huống đe dọa phức tạp”.

Tuy nhiên, NATO tiết lộ rất ít thông tin cụ thể về mục đích xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa này. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng cường quân đội nước này tại châu Âu nhằm đối phó với đe dọa mà họ cáo buộc là “sự gây hấn của Nga”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng bày tỏ quan ngại về dấu hiệu Mỹ và châu Âu tăng cường quân sự dọc biên giới với Nga.

“Chúng tôi không thấy có bất cứ lý do thích đáng nào để duy trì hệ thống phòng thủ tên lửa này, đặc biệt với tốc độ cao, ở khoảng cách gần và rõ ràng nhằm vào lãnh thổ Nga”, ông Ryabkov cho biết.

Ngoài ra, có thông tin cho rằng, Mỹ cũng sẽ cung cấp cho Đức phiên bản nâng cấp của bom nhiệt hạch B61-12. Động thái này bị chỉ trích là đã vi phạm các thỏa thuận hạt nhân quốc tế. Không chỉ có vậy, Washington còn đang thuyết phục các đồng minh EU khác, đặc biệt là Bỉ, tăng cường đầu tư cho quốc phòng. Động thái này đã châm ngòi một làn sóng biểu tình lớn dọc khắp châu Âu.

Theo ông Ryabkov cáo buộc: “Chính phủ Mỹ đang vẽ ra những lý do bao biện về quyết định của mình để che đậy mục đích thực chất của họ trong việc tiếp tục duy trì hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu”.

Người phát ngôn của Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nhận định rằng: “Những hành động này của NATO có thể làm thay đổi cán cân về sức mạnh tại châu Âu và chắc chắn rằng Nga sẽ phải tiến hành các biện pháp đáp trả để duy trì sự cân bằng chiến lược”.

Nga đã nhiều lần lên tiếng phản đối Mỹ lập lá chắn tên lửa ở châu Âu. Washington trấn an rằng lá chắn này nhằm mục tiêu bảo vệ Mỹ và châu Âu trước nguy cơ tấn công tên lửa từ những quốc gia “xấu” như Iran và Triều Tiên, chứ không nhằm kiềm chế Moscow.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama “không nói sự thật” khi khẳng định Mỹ cần lá chắn tên lửa trước “mối đe dọa thực sự” từ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí của Iran.. Các quan chức Moscow cho rằng, hiện nay vấn đề hạt nhân Iran đã được giải quyết, Washington nên từ bỏ kế hoạch xây lá chắn tên lửa.

Tuy nhiên người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Moscow khẳng định, dù thỏa thuận hạt nhân Iran đã được thực hiện đầy đủ cũng sẽ không xóa bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Tehran.

Sau đây là đoạn clip ghi lại diễn biến cuộc thử nghiệm:

 
Đan Khanh (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc