Có thể xử tù chung thân đối tượng 'cướp' bé gái 20 ngày tuổi

06:05, 27/11/2017
|

(VnMedia) - Theo luật sư, pháp luật hình sự nước ta đã có những quy định rất nghiêm đối với những hành vi xâm hại quyền tự do thân thể của trẻ em. Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì khung hình phạt cao nhất có thể lên tới chung thân...

Ngôi nhà nơi hai đối tượng bịt mặt xông vào cướp cháu bé trên tay bà nội
Ngôi nhà nơi hai đối tượng bịt mặt xông vào 'cướp' cháu bé trên tay bà nội

Công an tỉnh Thanh hóa, Công an thị xã Bỉm Sơn và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, làm rõ, truy bắt các đối tượng bắt cóc cháu bé hơn 20 ngày tuổi tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn.

Vụ việc xảy ra vào hồi 18h40 ngày 25/11/2017, tại nhà anh Lê Hữu Thuận (sinh năm 1980), vợ là Phạm Thị Thanh Huyền (sinh nă/m 1979) ở khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa; cả hai vợ chồng hiện là nhân viên ga tàu Bỉm Sơn.

Trong lúc bà Phạm Thị Xuân (sinh năm 1952 - mẹ đẻ anh Thuận) đang bế cháu gái (con anh Thuận và chị Huyền), sinh ngày 03/11/2017 thì bị 02 đối tượng bịt mặt, một nam và một nữ đi xe máy tay ga vào khống chế bà Xuân. 

Liền lúc, đối tượng nam dùng dao đe dọa, đối tượng nữ một tay túm tóc, một tay bịt miệng bà Xuân, đẩy bà Xuân ra cổng nhà và giằng lấy cháu bé, đối tượng nam đạp bà Xuân ngã và cả hai bế cháu bé lên xe máy tẩu thoát.

Sự việc xảy ra đã khiến cho dư luận không khỏi bàng hoàng trước mức độ nguy hiểm và manh động của các đối tượng gây án.

Về vụ việc trên, trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: các đối tượng đã có những hành vi thể hiện sự manh động, coi thường pháp luật, xâm hại quyền tự do thân thể của người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ được pháp luật bảo vệ.

Các đối tượng này có hành vi chiếm đoạt trẻ em, dù bất cứ hình thức nào thì cũng đều cấu thành tội “Mua bán đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” được quy định tại điều 120, Bộ Luật hình sự năm 1999. Song trong vụ việc này, cần thiết phải xem xét động cơ, mục đích của các đối tượng nêu trên.

Theo luật sư Thơm: Nếu xác định được việc bắt cóc cháu bé là nhằm mục đích gây sức ép với gia đình, giải quyết mâu thuẫn hoặc có mục đích dùng cháu bé này làm con tin để chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 134, Bộ Luật hình sự năm 1999.

"Pháp luật hình sự nước ta đã có những quy định rất nghiêm đối với những hành vi xâm hại quyền tự do thân thể của trẻ em. Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì khung hình phạt cao nhất có thể lên tới chung thân. Ngoài ra, các đối tượng thực hiện hành vi như trên còn bị phạt tiền lên tới hàng trăm triệu đồng", luật sư Thơm khẳng định.

Cũng theo luật sư Thơm, cháu bé bị bắt cóc mới chỉ có 23 ngày tuổi, rất dễ bị ảnh hưởng và tổn thương về sức khỏe. Do đó, trong trường hợp các đối tượng bắt cóc có những hành vi khiến cho đứa trẻ gặp nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng như bỏ đói không cho ăn uống, hay đánh đập thì các đối tượng này không chỉ phải chịu trách nhiệm về tội “Bắt cóc trẻ em” mà còn phải chịu trách nhiệm cao hơn về tội “Giết người”, được quy định tại điều 93, Bộ Luật hình sự với tình tiết tăng nặng là giết trẻ em. Và khung hình phạt đối với các đối tượng này có thể lên đến tử hình.

Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em

1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đối với nhiều trẻ em;
đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
e) Để đưa ra nước ngoài;
g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.

Điều 134. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Đối với trẻ em;
e) Đối với nhiều người;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;
h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
i) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười tám năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc