Trẻ em 14-16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự

19:06, 12/07/2017
|

(VnMedia) - Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể.

Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn thừa ủy quyền công bố Lệnh của Chủ tịch nước.
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 6 luật mới được Quốc hội thông qua.

Chiều 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa qua.

Trong 6 luật được công bố chiều nay có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13); có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được xây dựng theo qua điểm chỉ đạo là sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có nhiều điểm mới cơ bản. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.

Luật sửa đổi theo hướng kế thừa quan điểm của Bộ luật Hình sự năm 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2, Điều 12 của Bộ luật.

Sửa đổi, bổ sung theo hướng người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể; chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 2 tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản.

Đối với các tội danh liên quan đến vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và vật liệu nổ thì Luật sửa đổi các tình tiết định lượng về số lượng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật liệu nổ quy định theo hướng không liệt kê cụ thể từng loại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và vật liệu nổ mà sử dụng tình tiết định tính "số lượng lớn", "số lượng rất lớn" hoặc "số lượng đặc biệt lớn" nhằm bao quát được hết các trường hợp tội phạm và linh hoạt trong xử lý tội phạm.

Luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng, máy tính, mạng viễn thông, đồng thời, bổ sung tội danh mới là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế. Cụ thể: bổ sung nội dung quy định về phân loại tội phạm, tổng hợp hình phạt đối với pháp nhân thương mại;  bổ sung quy định theo hướng mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm cả đối với 2 tội danh là tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

1

Cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, còn có 5 luật khác cũng được công bố trong chiều nay:

- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.: Gồm 8 chương, 76 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, sử dụng vụ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ và công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vât liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ…

- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018: Gồm 10 chương, 134 điều quy định cụ thể về tài sản công và phân loại tài sản công; chính sách, nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công; công khai và giám sát của cộng đồng đối với tài sản công; các hành vi bị cấm và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công…

- Luật Cảnh vệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018: gồm 6 chương, 33 điều. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, Luật Cảnh vệ đã bổ sung 2 chương, 12 điều, quy định cụ thể về đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ và chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; công tác khen thưởng và xử lý vi phạm…

- Luật Trợ giúp pháp lý: gồm 8 chương, 48 điều, quy định về nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý; nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý; các hành vi bị nghiêm cấm; người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý; phạm vi, lĩnh vực, hình thức và hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp…

- Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: gồm 9 chương, 78 điều, bổ sung quy định việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Ngoài ra, luật cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa ngay khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự...

Trong sáng cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch nước cũng tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, bao gồm Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt 2017; Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Luật Du lịch 2017 và Luật Thủy lợi.

 

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc