Đại tá Đào Vịnh Thắng: Cấm triệt để xe ba bánh, kể cả xích lô

09:00, 19/07/2017
|

(VnMedia) - Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội đưa ra đề nghị đối với thành phố phải rà soát và điều tra cơ bản vấn đề về xe ba bánh, có chủ trương rõ và tiến tới cấm triệt để xe ba bánh, kể cả đối với xe xích lô...

Chiều 18/7, trong tham luận tại Hội nghị sơ kết tình hình kết quả công tác 6 tháng tháng đầu năm, sơ kết 3 tháng thực hiện Kế hoạch 01/KH-BCĐ197 ngày 3/3/2017 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của Ban chỉ đạo 197 của UBND TP Hà Nội, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội đã nói về những bất cập trong công tác giám sát, xử lý xe ba bánh tự dóng để giả danh thương binh và xe quá tải đang hoạt động trên đị bàn thủ đô. 

Đại tá Đào Vịnh Thắng
Đại tá Đào Vịnh Thắng,  Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội  nói về những bất cập trong công tác giám sát, xử lý xe ba bánh tự dóng và xe quá tải. Ảnh: BN

30 xe ba bánh được cấp phép

Theo chủ trương của thành phố, từ năm 2008, loại xe ba bạnh tự dóng bị cấm hoạt động, nhưng hiện nay số lượng các xe này tham gia lưu thông trên đường không hề giảm.

Đại tá Thắng cho biết hiện nay, trên địa bàn thành phố, cơ quan công an đang quản lý và đăng ký là 30 trường hợp xe ba bánh có giấy tờ và phục vụ cho những người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn thủ đô có rất nhiều xe ba bánh tự dóng để giả danh thương binh.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT thành phố đã tạm giữ trên gần 500 chiếc xe ba bánh tự dóng để giả danh thương binh; và trong 2 tuần ra quân thực hiện Kế hoạch về tổng điều tra cơ bản, kiểm tra xử lý vi phạm của các phương tiện quá tải, quá khổ, xe ba bánh tự sản xuất, tự lắp ráp, giả danh thương binh, bệnh binh, người khuyết tật trên địa bàn (9-21/6), lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ 400 xe ba bánh vi phạm giao thông.

“Các xe tự dóng để giả danh thương binh thường đi lại trong các khu phố trong giờ cao làm mất mỹ quan, trật tự đô thị”, đại tá Thắng nói.

Đại tá Thắng cho biết, ngoài những xe ba bánh tự dóng để giả danh thương binh trên địa bàn thành phố, còn có xe ba bánh có giấy tờ hợp lệ, đăng ký ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… cũng hoạt động tại Hà Nội. Theo đó, việc xử lý xe ba bánh còn gặp rất nhiều khó khăn và áp lực.

Theo đại tá Thắng, việc xử lý xe ba bánh phải được thực hiện tận gốc, tức là phải xử lý tận nơi sản xuất, chứ CSGT chỉ đang xử lý phần ngọn.

Đại tá Đào Vịnh Thắng Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội nói về những bất cập trong công tác giám sát, xử lý xe ba bánh tự dóng. Xem clip

“Tôi cho rằng, việc này thuộc về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, ngay từ khi sản xuất, lắp ráp, vận hành và những người điều khiển phương tiện này ở ngay chính quyền địa phương phải nắm chắc”, đại tá Thắng nói.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố, các phương tiện không đảm bảo kỹ thuật an toàn giao thông thì không được phép lưu hành trên đường phố, trên đường giao thông công cộng. Theo đó, đại tá Thắng cho rằng đối với những xe ba bánh tự dóng hiện đang bị tạm giữ sẽ đề xuất với Thành phố và với GĐ công an Thành phố tịch thu các phương tiện này theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, vị trưởng phòng CSGT cũng đề nghị thành phố: “Rất khoát phải rà soát và điều tra cơ bản vấn đề này, có chủ trương rõ và tiến tới cấm triệt để xe ba bánh, kể cả đối với xe xích lô”.

Xe
Chưa có biện pháp xử lý tận gốc xe quá tải. Ảnh minh họa

Chưa có biện pháp xử tận gốc xe quá tải

Đề cập đến tình trạng xe quá tải gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường xá, đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định việc này chưa có biện pháp xử lý tận gốc.

Theo vị trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, hiện thành phố đăng ký và quản lý gần 159.000 xe tải đang hoạt động, chưa tính xe của các địa phương đi qua các tuyến vành đai 3 và 4 để đi qua thành phố. Trong đó, xe kéo rơ-moóc loại 10 tấn trở lên có khoảng 10.750 xe. Loại vận tải này thường có tải trọng tối thiểu là 20 tấn. Số còn lại là xe tải từ 500 kg đến dưới 10 tấn.

Những phương tiện kể trên phần lớn liên quan đến 113 dự án trên địa bàn, 50 bãi tập kết vật liệu xây dựng và 40 trạm trộn bê tông trên địa bàn.  

"Công tác xử lý thông qua tuần tra kiểm soát chỉ giải quyết được phần ngọn vấn nạn xe quá tải, cần rạch ròi trách nhiệm của chính quyền sở tại, Sở GTVT và lực lượng khác", đại tá Thắng nói.

Cũng theo đại tá Thắng, trong một tháng thực hiện xử lý xe quá tải đã có gần 5.000 trường hợp bị lập biên bản. "Nếu cân những xe này thì 100% chở quá tải", ông Thắng khẳng định.

Về hướng giải quyết đối với xe quá tải, vị trưởng phòng cho rằng phải xem vấn đề sai phạm ở đâu thì giải quyết ở đấy và phải làm triệt để, tận gốc.

“Đường xá hỏng thì tại ai? nơi bốc xếp và vận chuyển lên là trách nhiệm của đơn vị nào? biển báo ra sao? Hàng ngày đều phát hiện hết, chứ có phải con kiến đâu mà không nhìn thấy”, đại tá Thắng nói.

Để xử lý triệt để xe quá tải, trong thời gian tới Phòng CSGT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP và Bộ Công an trang bị hệ thống cân trọng tải từ 20 tấn trở lên lắp đặt tại Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc