'Cơn lốc' ma túy đá reo rắc hãi hùng cho xã hội

07:15, 07/07/2017
|

(VnMedia) - Trước “cơn lốc" ma túy đá đang reo rắc hãi hùng cho xã hội, việc đấu tranh với nạn buôn bán, sử dụng loại ma túy này đang trở nên cấp bách, quyết liệt hơn bao giờ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gần 10 năm qua, số người “đập đá” tăng nhanh đã kéo theo tỷ lệ tội phạm liện quan đến ma túy gia tăng. Hàng loạt vụ trọng án, phạm pháp hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm trọng do người sử dụng ma túy đá gây ảo giác ('ngáo đá' - PV) gây nên đã gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Theo dố liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy những con số báo động: Tính đến thời điểm tháng 2/2017, cả nước có 210.751 người nghiện ma tuý có hồ sơ quan lý, tăng mạnh so với năm 2016, riêng Hà Nội có 12.803 người, là một trong hai tỉnh, thành đứng đầu cả nước.

Báo cáo mới nhất của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an thành phố Hà Nội về tình hình các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” cũng phản ánh những nguy cơ phức tạp: Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 27 vụ việc phạm pháp hình sự liên quan đến đối tượng “ngáo đá”, trong đó có những vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Trưởng phòng PC47 Công an thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay, các đối tượng phạm tội đang có sự câu kết chặt chẽ, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn liên tỉnh, xuyên quốc gia và có yếu tố nước ngoài với phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi; tính chất hoạt động ngày càng manh động, liều lĩnh.

Do đặc thù Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, tập trung nhiều đấu mối giao thông, vì vậy, các vụ việc không chỉ do đối tượng là người Hà Nội gây ra mà còn các thành phần “ngáo đá” về Thủ đô gây án. Các đối tượng này gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng cho quá trình đấu tranh, bắt giữ. Đồng thời, không thể chủ động phòng ngừa, lập hồ sơ quản lý để kịp thời có biện pháp giải quyết, ngăn chặn hành vi phạm tội.

“Để chặt nguồn cung cấp ma túy vào thành phố cũng như đưa ra ánh sáng các tụ điểm, ổ nhóm mua bán, sử dụng ma túy, vào đầu tháng 6 này, công an thành phố đã mở cao điểm tấn công loại tội phạm này, tập trung vào 6 tuyến trọng điểm. Song song với việc bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm, bắt giữ những đối tượng cầm đầu, làm rõ hành vi phạm tội, PC47 hiệp đồng chặt chẽ với Bộ Công an, Hải quan Hà Nội ngăn chặn có hiệu quả ma túy tổng hợp thẩm lậu vào nội địa bằng tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh.

Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng đã phát hiện, điều tra khám phá 950 vụ với 1.360 đối tượng liên quan đến ma túy tổng hợp, chiếm hơn một nửa tổng số vụ bắt giữ toàn thành phố và tăng 43 vụ với 67 đối tượng so với năm trước đó. Đồng thời, thu giữ tang vật là hơn 154 kg ma túy các loại, gồm heroin; ma túy tổng hợp; cây, quả thuốc phiện khô; cần sa cùng 15 khẩu súng, 137 viên đạn các loại, 7 quả lựu đạn..”, Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho hay.

Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, bên cạnh việc lập những chuyên án triệt phá các đường dây ma túy lớn, đưa ra ánh sáng các tụ điểm, điểm phức tạp về mua bán và tổ chức sử dụng trái phép ma túy, dựa trên thực tế, Phòng PC47 đã chủ động nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các Sở, ban, ngành có liên quan, ban hành Hướng dẫn công tác quản lý người sử dụng ma túy tổng hợp gây suy giảm chức năng nhận thức, hoang tưởng, loạn thần, ảo giác trên địa bàn thành phố để thống nhất triển khai thực hiện trên toàn thành phố.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 - Bộ Công an) cũng cho biết: Công tác cai nghiện ma túy cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc xác định tình trạng nghiện, điều trị cai nghiện nói chung và cai nghiện ma túy tổng hợp dạng đá nói riêng.

Ngành y tế đến nay mới có phác đồ điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện, chưa có phác đồ cai nghiện ma túy tổng hợp, tình trạng tái nghiện còn cao, trong khi cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho việc xác định tình trạng nghiện tại các cơ sở y tế chưa được đáp ứng, gây ra những lo ngại về bất ổn an ninh trật tự và an toàn cho người dân do người sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá gây ra.

Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, thời gian tới, C47 sẽ tiếp tục nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc; tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thống kê, tập hợp số liệu số người nghiện ma túy để bổ sung vào hồ sơ quản lý.

Khánh Công


Ý kiến bạn đọc