Xử lý như thế nào về vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh?

08:12, 21/03/2016
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ việc sà lan đâm sập cầu Ghềnh vào 10 giờ sáng ngày 20/3, chia sẻ với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trong vụ việc này cần xem xét ở nhiều góc độ.

Vào khoảng 10h sáng ngày 20/3/2016, chiếc sà lan do lưu thông trên sông Đồng Nai theo hướng từ cầu Đồng Nai về cầu Hóa An, khi qua cầu Ghềnh đã tông vào trụ cầu khiến nhịp cầu sập xuống sông. Hậu quả xảy ra làm cầu bị sập nhịp 2 và nhịp 3 (trong đó, nhịp 3 chìm xuống sông). Tính đến hiện nay chưa xác định có người bị thiệt mạng.

Hình ảnh cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập sáng 20/3. Ảnh: Tuổi trẻ.
Hình ảnh cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập sáng 20/3. Ảnh: Tuổi trẻ.

Được biết khi vụ tai nạn xảy ra có một số người đang lưu thông trên cầu. Thông tin từ người dân địa phương cho biết có hai người đã được cứu

Liên quan đến vụ việc này, chia sẻ với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trong vụ việc này cần xem xét ở nhiều góc độ.

Về trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, đây là sự cố sập cầu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không những về tài sản mà còn ảnh hưởng đến cả tuyến đường giao thông Bắc – Nam, tuyến đường dây điện lực, viễn thông,..

Hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông đường thủy ở (Sà lan) đã có dấu hiệu phạm Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 212 Bộ luật hình sự (BLHS).

Theo phân tích của luật sư Nguyễn Anh Thơm, để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 212 BLHS thì cần phải xác định cụ thể hành vi của người điều khiển phương tiện đã vi phạm qui định Luật giao thông đường thủ nội địa năm 2004.

Thiệt hại nghiêm trọng xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của trong cấu thành của tội phạm này. Hành vi vi phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự , nếu gây thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc tài sản của người khác.

Trong vụ việc này, lỗi của người lái phương tiện đã vi phạm:

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa

1. Hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn cho người, phương tiện, tài sản và bảo vệ môi trường; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Điều 43. Phương tiện đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống

1. Trước khi đưa phương tiện đi qua khoang thông thuyền, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Nắm vững các thông số chiều rộng, chiều cao của khoang thông thuyền, tình trạng luồng và dòng chảy;

b) Kiểm tra hệ thống lái, neo, đệm chống va, sào chống;

c) Trường hợp là đoàn lai, phải lập phương án lắp ghép đội hình phù hợp với chiều rộng và chiều cao của khoang thông thuyền, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thuyền viên.

2. Thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện qua khoang thông thuyền khi xét thấy đủ điều kiện an toàn; trường hợp cần thiết, phải xin chỉ dẫn của bộ phận điều tiết giao thông hoặc đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa.

3. Thuyền trưởng, người lái phương tiện phải điều khiển phương tiện đi đúng khoang có báo hiệu thông thuyền; đối với những khoang thông thuyền có phao dẫn luồng, phải điều khiển phương tiện đi trong giới hạn của hai hàng phao.

4. Nơi khoang thông thuyền có dòng nước xoáy hoặc chảy xiết, nếu thấy không an toàn, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải tìm biện pháp để đưa phương tiện qua khoang thông thuyền an toàn; trường hợp phải chờ qua khoang thông thuyền, phương tiện phải được neo buộc chắc chắn tại vị trí an toàn và bố trí người trực trên phương tiện.

5. Những nơi có điều tiết giao thông, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải chấp hành hiệu lệnh của người điều tiết giao thông.

Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có thiệt hại về con người nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn. Giá trị thiệt hại sẽ được cơ quan giám định đánh giá mức độ thiệt hại để làm căn cứ xử lý người điều khiển phương tiện.

Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/08/2013 Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông qui định tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3 điều 212 Bộ luật hình sự “ Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên”.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự

Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Căn cứ vào quy định về “nguồn nguy hiểm cao độ”, theo quan điểm của Luật sư thì các phương tiện giao thông cơ giới không chỉ bao gồm đường bộ mà còn là phương tiện giao thông cơ gới đường thủy, đường sắt, đường không. Như vậy, trong vụ việc này thì Sà lan được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Đây là cơ sở rất quan trọng để xác định trách nhiệm bồi thường dân sự theo qui định của pháp luật.

Như vậy, về nguyên tắc, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Sau đó chủ phương tiện có thể khởi kiện người lái phương tiện để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác. Nếu không khởi kiện thì thì hai bên tự thỏa thuận về số tiền chủ phương tiện đã bồi thường.

Nguyên tắc bồi thường là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện để để bồi thường.

Điều 212. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ 

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứứng với nhiệm vụ được giao;

b) Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Ý kiến bạn đọc