Lái xe gây tai nạn bỏ chạy xử lý như thế nào?

15:56, 14/03/2016
|

(VnMedia)- Theo quy định tại Dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, trong trường hợp người gây tai nạn giao thông bỏ chạy, cảnh sát giao thông có thể căn cứ vào dấu vết để lại trên phương tiện để truy bắt...

Theo quy định tại dự thảo này, trong trường hợp lái xe gây tai nạn bỏ chạy, lực lượng Cảnh sát giao thông được phân công điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông mà người gây tai nạn bỏ chạy phải nhanh chóng đến hiện trường thu thập các dấu vết, vật chứng tại hiện trường; ghi lời khai của những người biết việc, người bị nạn; hỏi kỹ về đặc điểm người gây tai nạn bỏ chạy; hỏi rõ loại xe, màu sơn, biển số..., đặc biệt là vị trí của những phương tiện, những thiệt hại về phương tiện và hướng phương tiện bỏ chạy. Đối chiếu, xác định những dấu vết có thể hình thành trong quá trình va chạm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Căn cứ đặc điểm phương tiện bỏ chạy, các dấu vết có thể để lại trên phương tiện để tổ chức truy tìm người, phương tiện gây tai nạn, đồng thời thông báo cho các Đội, Trạm Cảnh sát giao thông trên tuyến phối hợp truy bắt.

Tổ chức điều tra, giải quyết theo quy định tại Chương II Thông tư này. Quá trình điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm, thì báo cáo lãnh đạo để chuyển giao hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền để điều tra, giải quyết theo quy định; đồng thời, tiếp tục phối hợp truy tìm. Cũng tại dự thảo Thông tư này, còn quy định việc xử lý tình huống trong trường hợp người bị nạn từ chối, không đi cấp cứu.

Theo đó, trong trường hợp này, cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông hoặc nhân viên y tế có mặt đưa người bị nạn đi cấp cứu mà người bị nạn từ chối thì cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông phải lập biên bản ghi nhận việc người bị nạn từ chối đi cấp cứu, có sự xác nhận của nhân viên y tế, người chứng kiến.

Nếu chỉ có cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đưa người bị nạn đi cấp cứu mà người bị nạn từ chối thì phải lập biên bản ghi nhận việc người bị nạn từ chối đi cấp cứu, có người chứng kiến xác nhận.


Ý kiến bạn đọc