Dấu vân tay xác định người lái Camry khiến 3 người tử vong

09:56, 02/03/2016
|

(VnMedia) - Trao đổi với báo chí, thượng tá Nguyễn Viết Chức, Phó trưởng Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, sau khi thu thập chứng cứ, lời khai của người liên quan, khám nghiệm hiện trường, đặc biệt lấy dấu vân tay trên vô lăng, công an khẳng định Nguyễn Quang Vinh (39 tuổi, ở Thượng Thanh, Long Biên) lái xe Camry gây tai nạn. 

Thượng tá Chức nhấn mạnh, người dân nếu có thêm thông tin, hình ảnh, bằng chứng về vụ tai nạn, hãy cung cấp cho công an quận để phục vụ điều tra.

Ngay khi xác định được dấu vân tay của đối tượng này, cơ quan chức năng cũng có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và tạm giữ bị can vào sáng 2/3.
 
Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.
 
Hiện cơ quan điều tra Công an quận Long Biên cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi, phương tiện và hoàn thành tài liệu để xử lý vụ án.
 
Tại cơ quan điều tra, Vinh khai do vào cua rộng nên lấn sang làn đường bên trái. Do chưa từng lái xe đường trường mà chỉ đánh xe ra vào gara, Vinh đã nhầm chân phanh với chân ga và mất kiểm soát. Chủ xe cũng không nhờ Vinh đi sửa xe. Lúc điều khiển xe, nồng độ cồn trong máu Vinh cũng vượt mức cho phép do có nhậu vào sáng sớm cùng ngày.
 
Liên quan tới trách nhiệm của người đỗ chiếc ô tô màu đen làm cản trở giao thông tại hiện trường, lãnh đạo cơ quan công an cho biết đang tiếp tục điều tra thêm.
Người
Từ dấu vân tay trên vô lăng, công an khẳng định Nguyễn Quang Vinh là người lái xe Camry gây tai nạn.
 
Trước đó, ngày 1/3 cũng liên quan đến vụ lái xe Camry tông chết người Công an quận Long Biên cho biết, cô gái tên Phương Anh (SN 1991, HKTT tại tổ 15, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) người cùng đi trên chiếc xe Camry gây tai nạn thảm khốc ở phố Ái Mộ (Long Biên - Hà Nội), cũng là nhân vật bị dư luận đặt nghi vấn chính là người đã điều khiển chiếc xe gây tai nạn đã đến công an trình diện.
 
Lời khai ban đầu của Phương Anh tại công an quận Long Biên cho thấy, sau khi Vinh và Phương Anh vào trong xe Camry ngồi, Phương Anh cho đĩa vào ổ đĩa trên xe để nghe nhạc. Sau đó, Phương Anh ngồi chơi điện tử thì Vinh nhấn ga phóng xe đi và gây ra vụ tai nạn kinh hoàng trên.
 
Sau khi xảy ra tai nạn, Phương Anh về kể với mẹ và được mẹ yêu cầu ra công an trình diện. Tại cơ quan công an, Phương Anh khẳng định mình ngồi chơi điện tử, còn Nguyễn Quang Vinh lái xe chứ Phương Anh không phải là người điều khiển xe.
 
Liên quan đến vụ việc, phân tích lỗi của người gây ra vụ tai nạn kinh hoàng này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), lỗi của người lái xe đã vi phạm: Vi phạm Điều 4  Luật giao thông đường bộ: Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ.
 
“Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
 
Vi phạm Điều 9 Luật giao thông đường bộ: Quy tắc chung
 
“Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”.
 
Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP- VKSNDTC-TANDTC ngày 28/08/2013 Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông qui đinh tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 3 các điều 202 BLHS: “làm chết từ ba người trở lên”

Vi phạm Điều 14  Luật giao thông đường bộ: vượt xe Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

Về tình huống người lái xe gây tai nạn không có bằng lái và có sử dụng rượu bia thì xử lý như thế nào? Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, không có giấy phép hoặc bằng (hoặc bằng lái, bằng lái xe) quy định tại điểm a khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự.
 
Bên cạnh đó, tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây: Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
 
Đây là những tình tiết định khung tăng nặng được qui định tại Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự. Nhưng do lái xe đã bị xử lý về Khoản 3 Điều 202 Bộ luật hình sự có khung hình phạt lớn hơn nên khi xét xử Tòa án vẫn coi là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự về tính chất mức độ hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt.

Ý kiến bạn đọc