Sử dụng máy quay tùy tiện: Có phạm pháp?

14:12, 01/02/2016
|

(VnMedia) - Hiện nay việc sử dụng máy quay cá nhân để quay phim hoặc sử dụng các thiết bị để quay công khai mọi thứ hay thậm chí là quay lén không phải là chuyện gì đó khó khăn. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, không phải cái gì quay cũng được sử dụng...

Điều 38, Bộ luật Dân sự đã quy định: Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp người đó chết, mất năng lực hành vi dân sự (hoặc chưa đủ 15 tuổi) thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện về pháp luật đồng ý. Trừ trường hợp thông tin được thu thập và công bố theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan cảnh sát điều tra...).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu bí mật đời tư của công dân bị xâm phạm thì cá nhân có quyền được bảo vệ theo quy định tại Điều 25, Bộ luật Dân sự: “Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại”.

Cũng theo quy định của pháp luật, sau khi thực hiện hành vi quay lén, nếu người quay mang đi phát tán trên mạng Internet… thì hành vi này có dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 253, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Cụ thể: Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Vật phạm pháp có số lượng lớn; Phổ biến cho nhiều người; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Điều 253 cũng quy định rõ nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Vật phạm pháp có số lượng rất lớn; Đối với người chưa thành niên; Gây hậu quả nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm.

Cũng theo Điều 253, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Cũng theo quy định của luật pháp, trong trường hợp người thực hiện việc quay lén lại dùng các hình ảnh quay lén đó nhằm mục đích tống tiền thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 135, Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản:

Cụ thể, Điều 135, Tội cưỡng đoạt tài sản quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm;  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 135 này, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


Ý kiến bạn đọc