Mua bán công cụ hỗ trợ có bị xử lý hình sự?

15:32, 22/02/2016
|

(VnMedia) - Công cụ hỗ trợ được xác định  là những phương tiện đặc biệt, trang bị cho một số đối tượng thuộc cơ quan tổ chức sử dụng để giữ gìn an ninh, trật tự an; trấn áp tội phạm hỗ trợ người thi hành công vụ. Vậy, việc mua bán công cụ hỗ trợ có bị xem là vi phạm và bị xử lý?

Ngày 19/2/2016, Công an huyện Quảng Xương đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Đình Thông, sinh năm 1995 ở thị trấn Quảng Xương và Lê Minh Tâm, sinh năm 1993 (anh rể Thông) ở xã Hà Hải, huyện Hà Trung đã có hành vi buôn bán công cụ hỗ trợ qua mạng Internet…

jhhjg
Hai đối tượng Thông và Tâm

Trước đó, Thông và Tâm đã lập trang cá nhân dưới tên “Tâm cu tí” trên trang mạng xã hội facebook và rao bán các loại công cụ hỗ trợ. Đi sâu nghiên cứu trang mạng xã hội này, Công an huyện Quảng Xương phát hiện Thông và Tâm thường xuyên giao dịch với các đối tượng có nhu cầu mua công cụ hỗ trợ trên phạm vi cả nước, sau đó yêu cầu họ gửi tiền vào tài khoản.

Sau khi nhận được tiền, Thông và Tâm ra biên giới mua các loại công cụ hỗ trợ về chuyển cho các đối tượng mua qua đường Bưu điện. 14 giờ ngày 19/2, Công an huyện Quảng Xương đã bắt quả tang hành vi phạm tội của 2 đối tượng này khi bọn chúng đang mang 28 chiếc dùi cui điện, côn sắt, roi điện đa năng… sang Bưu điện huyện Quảng Xương để gửi. Khám xét khẩn cấp nơi ở của 2 đối tượng này, Công an huyện Quảng Xương đã thu thêm 10 loại công cụ hỗ trợ khác.

jhhjg
Tang vật vụ án

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ giao bán công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội bị phát hiện và được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ. Việc các đối tượng một cách "ngây thơ" công khai việc mua bán công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội dường như cho thấy các đối tượng chưa nắm bắt được rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, công cụ hỗ trợ được xác định  là những phương tiện đặc biệt, trang bị cho một số đối tượng thuộc cơ quan tổ chức sử dụng để giữ gìn an ninh, trật tự an; trấn áp tội phạm hỗ trợ người thi hành công vụ.

Các loại Công cụ hỗ trợ: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, la-de, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; Các loại lựu đạn khói, lựu đại cay, quả nổ; Các loại dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khoá số tám, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, lá chắn, mũ chống đạn; Động vật nghiệp vụ: là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Pháp luật cũng quy định rõ về những đối tượng được trang bị sử dụng công cụ hỗ trợ, gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; An ninh hàng không; Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường; Ban, đội bảo vệ chuyên trách của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; Ban bảo vệ dân phố hoặc tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn; Câu lạc bộ, Trường, Trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Cơ quan thi hành án dân sự; Thanh tra chuyên ngành Thủy sản, lực lượng kiểm ngư; Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; Các đối tượng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cũng theo phân tích của luật sư, pháp luật cũng có những quy định cụ thể về nguyên tắc trang bị, quản lý sử dụng. Theo đó, trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật; Người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình; Người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng...

Chính vì vậy, dù bất cứ dưới hình thức sử dụng, mua bán nào, đặc biệt là tràn ngập trên mạng Internet, mạng xã hội như hiện nay thì những người tàng trữ, buôn bán và sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trái phép rất cần được pháp luật xử nghiêm để tạo tính răn đe cho xã hội.

Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 47/CP ngày quy định: Nghiêm cấm tổ chức và cá nhân sản xuất, sửa chữa, mua, bán, mang ra nước ngoài, mang từ nước ngoài vào, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, biếu tặng, trao đổi các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

Nếu người bán hàng mua trực tiếp từ những người trộm cắp quân dụng có thể xem xét họ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu chỉ là hàng giả, hàng nhái thì có thể xem xét về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Người nào tàng trữ trái phép vũ khí là hành vi trái pháp luật có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 233, Bộ luật Hình sự về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. Những người tàng trữ, buôn bán và sử dụng các loại công cụ hỗ trợ trái phép rất cần được pháp luật xử nghiêm, tạo tính răn đe cho xã hội.


Ý kiến bạn đọc