Hàng loạt vụ lừa đảo đa cấp hàng trăm tỷ đồng

16:09, 22/02/2016
|

Cơ quan điều tra vừa bóc gỡ đường dây lừa đảo từ bán hàng đa cấp của Công ty Liên kết Việt với số tiền lên đến 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu người dân sập bẫy kinh doanh đa cấp lừa đảo, nhiều vụ việc lớn đã bị phanh phui, với số tiền lên tới hàng triệu đô.

Hơn 45.000 người bị lừa 1.900 tỷ đồng

Tiến hành điều tra những hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Liên kế sản xuất Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt), cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 7 lãnh đạo và tổng đại lý của công ty này về tội danh trên.

Từ năm 2014 đến tháng 7/2015, đa cấp Liên kết Việt lừa đảo 45.000 người tại 21 tỉnh thành trong cả nước, tổng số tiền thu được trên 1.900 tỷ đồng. Để chiếm lòng tin của nhiều người, Liên kết Việt mạo danh doanh nghiệp Bộ Quốc phòng, làm giả lễ đón nhận bằng khen Thủ tướng, nhận giải thưởng trong nước để “lòe” các khách hàng nhẹ dạ, cả tin. Thủ đoạn thu hút hàng ngàn người được công ty này vận dụng đó là hứa hẹn trả mức hoa hồng “khổng lồ” cho những người tham gia mạng lưới Liên kết Việt – một cách thức quen thuộc của đa cấp lừa đảo, thu lời bất chính.

Trong ảnh là Lê Xuân Giang (người mặc quân phục), Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt.
Trong ảnh là Lê Xuân Giang (người mặc quân phục), Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt

Đây không phải lần đầu người dân sập bẫy kinh doanh đa cấp lừa đảo, nhiều vụ việc lớn đã bị phanh phui, với số tiền lên tới hàng triệu đô.

Kinh doanh gian hàng ảo đa cấp thu lời bất chính
 
Hồi tháng 8/2015, TAND TP.HCM đã tuyên án, phạt Lê Văn Đình (32 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) 13 năm tù, Nguyễn Trần Hoàng (27 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) 10 năm tù, Nguyễn Thị Trúc Anh (41 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) 7 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Thông qua trang web nhóm tội phạm này huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư kinh doanh theo hình thức lừa đảo đa cấp quen thuộc. “Nhà đầu tư” mua một mã số là hai triệu đồng, được tặng kèm theo một lạng cao ngựa hoặc bộ mỹ phẩm Hàn Quốc. Khi giới thiệu được thêm hai thành viên khác tham gia, nhà đầu tư sẽ được nâng lên mức quản lý, thưởng hoa hồng, nhà, ô tô, biệt thự. Theo hình thức này, các đối tượng lừa đảo đã thu được hơn 13,6 tỷ đồng.
 
Sử dụng mạng internet để kinh doanh lừa đảo không còn quá xa lạ. Theo tin tức từ Zing News, tháng 12/2013, Viện KSND Tối cao cho biết đã ra quyết định truy tố 4 đối tượng cầm đầu tập đoàn Tâm Mặt Trời (Tam Mat Troi Investmant Corporation, trụ sở ở đường Sông Đà, P.2, Q.Tân Bình, TP HCM) vì tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet… thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Quá trình hoạt động kinh doanh, mặc dù không được Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương cấp phép kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng các ông chủ của tập đoàn này vẫn quảng cáo các "gian hàng ảo" là sàn giao dịch điện tử có nhiều lợi ích để khách hàng tin tưởng đầu tư mua.
Các bị cáo của Công ty Tâm Mặt Trời tại phiên xét xử 9/2015. Ảnh: CAND
Các bị cáo của Công ty Tâm Mặt Trời tại phiên xét xử 9/2015 (Ảnh: CAND)

 Theo báo Công an nhân dân đưa tin, thời gian đầu mỗi gian hàng được Công ty đa cấp này rao bán với giá 4,8 triệu đồng, sau đó tăng lên 6 triệu đồng. Để trở thành "hội viên cấp 1", khách hàng phải mua "gian hàng ảo" với giá 3 triệu đồng, "hội viên cấp 2" giá tăng lên 6 triệu đồng. Khi giới thiệu được hội viên tham gia và mua gian hàng, mỗi hội viên cấp 1-2 sẽ hưởng các loại "hoa hồng". Theo đó, có nhiều loại "hoa hồng" như hoa hồng trực tiếp (được hưởng 100S, tương đương 1 triệu đồng), hoa hồng cặp, hoa hồng VIP (được thưởng từ 80 đến 100 triệu đồng)... Ngoài việc chi trả "hoa hồng" cho các hội viên, HĐQT Tâm Mặt Trời còn chi trả hoa hồng cho các trưởng văn phòng, chi nhánh đại diện, giám đốc đào tạo... từ 50.000 - 450.000 đồng/gian. 

Khi toàn bộ hệ thống đa cấp này bị triệt phá, cơ quan điều tra xác định từ tháng 9/2010 đến tháng 10/2012, Tâm Mặt Trời mở rộng chi nhánh ở khắp 30 tỉnh, thành, có 39.000 hội viên, bán 23.348 gian hàng ảo thu khoản tiền khổng lồ 122 tỷ đồng.
 
MB24 chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Năm 2014, vụ việc gây chấn động dưa luận có liên quan đến công ty cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến (MB24), chiếm đoạt trên 30 tỷ đồng với hơn 100 người bị hại. 

Theo đó, các đối tượng thành lập trang web muaban24.vn để hoạt động trên phương thức sàn giao dịch thương mại điện tử, lôi kéo bán gian hàng ảo trên web muaban24.vn, tạo ra một tài khoản trên hệ thống, đưa tiền vào hệ thống rồi rút tiền của người này, thanh toán cho người khác. Số tiền còn lại bị các thành viên sáng lập trang web chiếm đoạt.
 
Hồi tháng 3/2013, Công an TP Hà Nội đã triệt phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh đa cấp đặc biệt trên mạng internet (với sản phẩm là gói dịch vụ du lịch đặt phòng 4 ngày, 3 đêm do tập đoàn Diamond Holiday Travel (DHT) Hoa Kỳ cung cấp) do Lâm Phúc Hùng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á cầm đầu, với gần 90.000 người bị hại ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, giá trị hàng chục triệu USD.

 


Ý kiến bạn đọc