Các ông trùm tiền bị lừa ngoạn mục

10:00, 14/01/2016
|

(VnMedia) - Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ lừa đảo tại ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn. Nhưng đây không phải lần đầu các ông trùm tền bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Ngày 9/1/2016, CSĐT C46 Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh). Liên quan đến vụ án này, C46 cũng khởi tố bị can đối với Huỳnh Công Thiện - Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Thiện Linh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ Luật hình sự.

Đồng thời, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hoàng Thái Hà - nguyên trưởng phòng khách hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo điều 179 Bộ Luật hình sự.

Cùng đồng phạm với Hoàng Thái Hà, còn có Hoàng Thị Bích Hồng - cán bộ tín dụng chi nhánh BIDV Tây Sài Gòn. Đối tượng Hồng cũng bị C46 khởi tố về tội danh vi phạm quy định về quy chế cho vay nhưng cho tại ngoại.

Cơ quan Công an xác định ông Thiện đã có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn số tiền trên 21 tỷ đồng.
 
Nhưng đây không phải lần đầu các ngân hàng lớn bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
 
Ngân hàng bị "trộm" 152 tỷ đồng
 Đối tượng Hoàng Minh Hiệp. Ảnh: CAND.
 Đối tượng Hoàng Minh Hiệp (Ảnh: CAND)
 
Tháng 1/2016, đối tượng Hoàng Minh Hiệp (quận Đống Đa, Hà nội) và đồng bọn đã thành lập hai công ty tư nhân “qua mặt” một ngân hàng ở Hà Nội để vay và chiếm đoạt hơn 152 tỷ đồng. Thủ đoạn của đối tượng này đó là sử dụng pháp nhân của hai công ty đã thành lập để ký hợp đồng mua bán thép khống, xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống, biên bản giao nhận hàng hóa khống, làm giả hợp đồng thuê kho và biên bản xác nhận hàng hóa để thực hiện hành vi lừa đảo ngân hàng nhằm mục đích vay tiền.
 
Liên quan đến vụ án này có một số nhân viên khác tham gia vào việc tiếp nhận, nghiên cứu và thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra tài sản đảm bảo và ký duyệt giải ngân cho đối tượng Hiệp. Tuy nhiên khi phát hiện ra hành vi gian dối, lừa đảo của Hiệp, các nhân viên của Phòng giao dịch ngân hàng đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế hậu quả, sau đó chủ động tố giác sự việc tới cơ quan Công an. Vì vậy, cơ quan điều tra không đề nghị xử lý hình sự.

5 ngân hàng bị thất thoát hàng trăm tỷ đồng

Tháng 12/2015 đã diễn ra phiên xét xử phúc thẩm vụ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam, địa chỉ P.7, TP.Sóc Trăng).
Đối tượng Lâm Ngọc Khuân (bên phải) đang bỏ trốn sau khi lừa đảo ngân hàng hàng trăm tỷ đồng.
Đối tượng Lâm Ngọc Khuân (bên phải) đang bỏ trốn sau khi lừa đảo ngân hàng hàng trăm tỷ đồng
 
Tài sản của 5 ngân hàng (gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam - chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Sở giao dịch Hậu Giang, Ngân hàng TMCP An Bình -chi nhánh tỉnh Bạc Liêu) bị ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam (đã bỏ trốn sang Mỹ) lừa đảo chiếm đoạt trên 679 tỉ đồng.
 
Từ năm 2008 đến năm 2010, ông Khuân chỉ đạo con gái và đồng bọn lập 19 bản báo cáo tài chính khống. Những báo cáo này thể hiện kết quả kinh doanh hàng năm có lãi, gửi các ngân hàng xin vay vốn đồng thời nộp Cục thuế tỉnh Sóc Trăng nhằm đối phó. 
 
Thủ đoạn qua mặt ngân hàng gồm các “chiêu” như nâng khống giá trị hàng hoá từ 123 tỷ đồng lên hơn 747 tỷ đồng trong báo cáo số liệu tôm đông lạnh. Sử dụng một số chứng từ mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất rồi photocopy thành nhiều bản, xác nhận sao y bản chính của công ty gửi các ngân hàng để giải ngân và thế chấp nhiều ngân hàng vay vốn. 
 
Liên quan đến “đại án” gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng này còn có 25 cán bộ các ngân hàng miền Tây đã chỉ căn cứ vào hồ sơ khống, duyệt cho Công ty thủy sản Phương Nam vay tiền sai quy định.
 
Dùng sổ đỏ giả, hàng loạt ngân hàng "sập bẫy"
 
Ảnh minh họa. 
Ảnh minh họa
 
Trước đó, năm 2012 đối tượng Phùng Văn Thúy (cựu nhân viên hợp đồng Phòng TNMT huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sau khi lấy trộm hơn 30 phôi sổ đỏ của Phòng TNMT huyện Gia Lâm, bị can đã chuyển cho đồng phạm Lê Bá Quỳ lập các hợp đồng kinh tế khống, giả mạo chữ ký, con dấu của một số cán bộ huyện Gia Lâm, mang 17 sổ đỏ giả đến 6 ngân hàng vay vốn hơn 70 tỷ đồng.
 
Cùng đồng phạm làm đăng ký xe ô tô giả; làm giả hợp đồng góp vốn đầu tư bất động sản; tạo dựng hợp đồng mua ô tô khống… để lừa đảo vay, rồi chiếm đoạt số tiền “khủng” của ngân hàng là “chiêu” của đối tượng Đỗ Thành Trung và Nguyễn Thị Mai Anh (Thanh Xuân, Hà Nội). Hai đối tượng vay Tiên Phong Bank 13 tỷ đồng, Navibank chi nhánh Hà Nội hơn 3 tỷ đồng; VP Bank chi nhánh Hà Nội hơn 700 triệu đồng; Ocean Bank hơn 800 triệu đồng…

 


Ý kiến bạn đọc