70% các vụ tai nạn giao thông là từ ô tô, xe máy

11:23, 22/01/2016
|

(VnMedia) - Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), mô tô, xe máy là loại phương tiện chủ yếu trong các vụ tai nạn (gần 70%), trong đó rất nhiều mô tô, xe máy cũ không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn.

ew
Hiện trường vụ TNGT tại Hưng Yên và trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai
 
Khoảng 22h ngày 19/12, tại đường Văn Giang - Ecopark, thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, chiếc xe BMW BKS: 30H-7593 lưu thông theo hướng Hưng Yên - Hà Nội với tốc độ cao đã lao trực diện vào xe của CSGT đang làm nhiệm vụ bên đường. Sau khi gây tai nạn, lái xe đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Cú đâm cực mạnh khiến chiếc BMW văng xa hàng chục mét, lật ngửa giữa đường. Xe của CSGT cũng bị húc bay xuống vệ đường. Vụ tai nạn khiến Thượng uý Bùi Đức Toàn, cán bộ Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Hưng Yên bị thương nặng.

Được biết trước đó, chiếc xe BMW đã va chạm với 1 xe máy trên địa phận huyện Kim Động (Hưng Yên) khiến 1 nam thanh niên bị ngã. Sau khi xảy ra tại nạn, lái xe BMV đã bỏ chạy rồi tiếp tục gây ra vụ tai nạn với CSGT. CQĐT CAH Khoái Châu đã bắt được người điều khiển xe BMW là Bùi Văn Sang, (34 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). CQĐT đang xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để xử lý theo quy định.

Rạng sáng cùng ngày, một vụ tai nạn khác đã xảy ra tại Km96 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa phận Khu 3, xã Bằng Giã, Huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ khiến 1 người tử vong. Theo thông tin ban đầu, một đôi nam nữ sau khi đi chơi Sapa bằng xe máy đã chạy vào đường cao tốc  để về Hà Nội. Do đi đêm, tầm nhìn hạn chế và buồn ngủ, nam thanh niên điều khiển xe đã mất lái và tự lao vào dải phân cách. Vụ va chạm đã khiến nạn nhân nam tử vong tại chỗ, nạn nhân nữ bị gãy tay được đưa đi cấp cứu.

Đây là một trong nhiều vụ tai nạn thảm khốc diễn ra trong năm 2015.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông năm 2015 cả nước xảy ra 22.827 vụ, làm chết 8.727 người, bị thương 21.069 người. So với năm 2014, giảm 2.842 vụ (- 11%), giảm 364 người chết (- 4%), giảm 3.794 người bị thương (- 15,26%). Trong đó:

Đường bộ: Xảy ra 22.326 vụ, làm chết 8.435 người, bị thương 20.815 người. So với năm 2014, giảm 2.912 vụ (- 11,54%), giảm 410 người chết (- 4,64%), giảm 3.822 người bị thương (- 15,51%).

Đường sắt: Xảy ra 405 vụ, làm chết 218 người, bị thương 239 người. So với năm 2014, tăng 64 vụ (18,77%), tăng 38 người chết (21,11%), tăng 23 người bị thương (10,65%).

Đường thủy: Xảy ra 96 vụ, làm chết 74 người, bị thương 15 người. So với năm 2014, tăng 06 vụ (6,67%), tăng 08 người chết (12,12%), tăng 05 người bị thương (50%).

Qua thống kê, phân tích tổng số các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trong năm 2015 cho thấy các lỗi vi phạm TTATGT chủ yếu dẫn đến TNGT là: đi không đúng làn đường, phần đường quy định chiếm tỉ lệ cao (26%), chạy quá tốc độ (9%), chuyển hướng không đúng quy định (9%), ngoài ra các lỗi không nhường đường, vượt xe, sử dụng rượu bia chiếm tỉ lệ đáng kể.

Tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu vẫn là các tuyến quốc lộ (35%) và nội thị (31%). Đây là các tuyến đường có mật độ dân cư đông đúc, người và phương tiện tham gia giao thông đa dạng với mật độ cao, đặc điểm đường giao cắt nhiều, phương tiện lưu thông hỗn hợp dễ xảy ra va chạm, khá phức tạp trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Mô tô, xe máy là loại phương tiện chủ yếu trong các vụ tai nạn (gần 70%), trong đó rất nhiều mô tô, xe máy cũ hoặc không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn. Hiện nay, số lượng mô tô, xe máy chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trong cả nước do nhiều ưu điểm như tính cơ động cao, linh hoạt giá thành rẻ phù hợp điều kiện kinh tế của đa phần người dân. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy còn chưa cao. Vì vậy vấn đề tai nạn liên quan đến mô tô, xe máy đang là vấn đề rất báo động

Gần 40% số vụ TNGT xảy ra vào khoảng thời gian từ 18h đến 24h, đây là khoảng thời gian người điều khiển phương tiện bị tác động tâm lý muốn nhanh chóng trở về với gia đình, sự mệt mỏi, căng thẳng sau một ngày làm việc, sự chênh lệch về nhiệt độ, ánh sáng giữa ngày và đêm (đặc biệt đối với phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa…). 


Ý kiến bạn đọc