4 trường hợp cần phải xử lý ngay khi Bộ Luật Hình sự 2015 thông qua

15:46, 15/01/2016
|

(VnMedia) - Ngày 27/12/2015 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ Luật Hình sự (BLHS). Đặc biệt, Nghị quyết quy định 04 trường hợp cần phải xử lý ngay kể từ ngày BLHS năm 2015 được công bố (tức là từ ngày 09/12/2015). Đó là những trường hợp nào?

Nghị quyết số 109/2015/QH13 quy định cụ thể về việc áp dụng BLHS, trong đó xác định rõ quy định nào được áp dụng hồi tố, quy định nào không được áp dụng hồi tố, đồng thời đưa ra những quy định chuyển tiếp để xử lý đối với những trường hợp hành vi phạm tội xảy ra trước ngày BLHS có hiệu lực thi hành (01/07/2016) nhưng sau ngày này mới bị phát hiện hoặc vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị kết án đang chấp hành án, đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án hoặc đã chấp hành xong bản án.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đặc biệt, Nghị quyết quy định 04 trường hợp cần phải xử lý ngay kể từ ngày BLHS năm 2015 được công bố (tức là từ ngày 09/12/2015). Đó là:

Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình; đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Trường hợp hình phạt tử hình đã tuyên đối với những người này nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành nữa và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Đối với những người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án mà đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì cũng không thi hành nữa và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về những tội phạm không được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 và tại các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của BLHS năm 2015. Trong hai trường hợp này, nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Trong trường hợp này, những người đã chấp hành xong hình phạt; người được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại đương nhiên được xóa án tích.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 109/2015/QH13 đã giao trách nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc tổ chức triển khai thi hành BLHS.


Ý kiến bạn đọc