Vụ tai nạn trên cầu vượt Thái Hà: Lái xe Ford Ranger bị xử lý thế nào?

10:44, 10/11/2015
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc, đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã triệu tập lái xe Ford Ranger để làm rõ tình hình. Theo quy định của pháp luật, lái xe này sẽ bị xử lý như thế nào?

Qua camera ghi lại diễn biến vụ việc xảy ra vào đêm 8/11/2015 bắt đầu xuất phát từ mâu thuẫn khi tham gia giao thông trên tuyến đường cầu vượt Ngã Tư Sở giữa xe taxi và xe ô tô Ford Ranger.

Cụ thể, trước khi xảy ra tai nạn, lái xe taxi bị hai thanh niên đi trên một chiếc xe bán tải chặn lại vì chèn nhau trên cầu vượt Ngã Tư Sở. Khi hai thanh niên xuống chặn đầu xe, lái xe taxi sợ bị đánh nên đã rồ ga phóng đi, hất một thanh niên lên ca-pô xe. Thanh niên còn lại liền lên xe bán tải đuổi theo.

Cả hai xe đều chạy tốc độ cao theo hướng từ Ngã Tư Sở về Ô Chợ Dừa. Khi lên đoạn giữa cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc, lái xe taxi đã tông vào nhiều xe máy ở làn đường ngược chiều làm 01 người tử vong và nhiều người bị thương nặng.

Sau đó, chiếc xe đâm ngang đường về hướng lan can bên trái của cầu vượt. Lái xe do quá hoảng sợ nên đã mở cửa xe, lao ra và nhảy từ trên cầu vượt xuống đường với độ cao gần 5m.

Đến thời điểm hiện tại, tin từ cơ quan điều tra được biết vẫn đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ra vụ việc đáng tiếc nói trên. Tuy nhiên, từ camera hành trình được ghi lại, dư luận đang băn khoăn về việc xác định lỗi cụ thể của các bên trong vụ việc này.

Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn

Trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho rằng, vụ việc này cần xét lỗi của cả hai phía.

Thứ nhất, lái xe taxi đã vi phạm lỗi theo Khoản 11, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ: Các hành vi bị nghiêm cấm về Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định.; Điều 9 Luật Giao thông đường bộ: Quy tắc chung về Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; Điều 5 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT: Các trường hợp phải giảm tốc độ về Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau: Qua cầu, cống hẹp; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc; Điều 6 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT: Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư Ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 KG: tốc độ tối đa 50 km/h.

Hành vi điều khiển phương tiện của lái xe taxi đã vi phạm các qui định của Luật giao thông đường bộ. Hậu quả xảy ra là rất nghiêm trọng với 01 người chết, nhiều người bị thương và gây thiệt hại đến tài sản của người khác. Do vậy, lái xe taxi đã phạm Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 202 Bộ Luật Hình sự.

Thứ hai,  lái xe ô tô Ford Ranger cũng có lỗi vi phạm. Lái xe này đã vi phạm theo Điều 8 Luật Giao thông đường bộ: Các hành vi bị nghiêm cấm về Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định; Điều 6 Thông tư 13/2009/TT-BGTVT: Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ trong khu vực đông dân cư Ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 KG: tốc độ tối đa 50 km/h; Điều 14 Luật Giao thông đường bộ: Vượt xe Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây: Trên cầu hẹp có một làn xe;

Theo quy định của Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, lái xe Ford Ranger sẽ bị xử phạt tương ứng với các lỗi trên như Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Vượt trong các trường hợp cấm vượt;

Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h;

- Điều khiển xe lạng lách, đánh võng;

Có nhiều ý kiến cho rằng phải xử lý về trách nhiệm hình sự đối với lái xe ô tô Ford Ranger và nhóm thanh niên chặn đầu xe taxi dẫn tới lái xe hoảng sợ rồ ga bỏ chạy rồi gây tai nạn?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Về hành vi của lái xe Ford Ranger: Hậu quả của vụ việc này là ban đầu đã có 01 người chết, nhiều người bị thương cùng hư hỏng nhiều tài sản của người khác. Chúng ta phải xem xét và đánh giá có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả giữa lái xe Ford Ranger và thiệt hại xảy ra hay không. Nếu có đủ căn cứ chứng minh hậu quả đó do xe Ford Ranger gây ra thì đương nhiên lái xe phải chịu trách nhiệm tương ứng.

Tuy nhiên qua Camera hành trình ghi lại diễn biến sự việc cho thấy có lẽ do lái xe taxi đã hoảng sợ rồ ga bỏ chạy mà bất chấp các quy tắc an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người khác khi tham gia giao thông bất kể khi nào.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Mặt khác, khoảng cách rượt đuổi giữa 02 xe taxi và Ford Ranger là không gần nhau nên sự rượt đuổi đó chưa gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của lái xe taxi ngay tức khắc. Đáng lẽ ra, lái xe taxi cần phải bình tĩnh hơn với nhiều cách xử sự như dừng xe vào lòng đường, nhờ sự giúp đỡ của người dân cũng như các lực lượng chức năng.

Trong trường hợp, lái xe Ford Ranger rượt đuổi quyết liệt bám sát đuôi xe taxi, chèn ép, va chạm hoặc đâm vào xe taxi dẫn tới mất lái gây tai nạn cho những người tham gia giao thông thì lỗi của lái xe Ford Ranger là lỗi cố ý gián tiếp. Hậu quả xảy ra đến đâu thì thì lái xe Ford Ranger phải chịu đến đó. Hậu quả chết người và hư hỏng tài sản người khác thì lái xe Ford Ranger sẽ bị xử lý tương ứng về Tội giết người và Tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 93 Bộ Luật Hình sự và Điều 143 Bộ Luật Hình sự.

Đối với lái xe và nhóm thanh niên trên xe Ranger nhảy xuống chặn đầu xe taxi, lái xe sợ bị đánh nên đã rồ ga phóng đi, hất một thanh niên lên ca-pô xe. Hành vi này của nhóm thanh niên này có dấu hiệu gây mất trật tự trị an nơi công cộng nhưng cũng rất khó xử lý về hình sự về Tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự. Bởi lẽ hành vi gây rối trật tự công cộng phải gây hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả nghiêm trọng ở đây phải có mối quan hệ nhân quả với hành vi đã gây ra. Hậu quả chết người và thiệt hại tài sản là do lái xe taxi gây ra như tôi đã phân tích ở trên là không có mối quan hệ nhân quả. Do đó, theo quan điểm của tôi là rất khó để xử lý về mặt hình sự đối với lái xe Ford Ranger và nhóm thanh niên đi trên xe.

Ngoài ra, lái xe Ford Ranger cùng nhóm thanh niên trên xe có thể sẽ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự được qui định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Cụ thể như sau:  Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;

Thái độ, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc. Luật sư có bình luận gì về vấn đề này? Chúng ta cần làm gì để cải thiện và nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông?

- Thực trạng hiện nay tai nạn giao thông được coi là quốc nạn. Nguyên nhân chính của các vụ tai nạn giao thông vẫn chủ yếu là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông. Ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của một bộ phận người dân là rất kém và luôn đặt lợi ích cá nhân lên đầu tiên mà bất chấp các quy tắc tối thiểu khi ra đường. Rất nhiều trường hợp chỉ vì những va chạm rất nhỏ mà cách ứng xử với nhau rất không đúng mực dẫn tới những hậu quả khôn lường. Nhẹ thì mắng chửi nhau, tặc đường, nghiêm trọng thì sẵn sàng dùng vũ lực để nói chuyện rồi dẫn tới vi phạm pháp luật về hình sự. Rất nhiều vụ án mà Luật sư tham gia xuất phát từ việc không chấp hành luật giao thông đường bộ như: gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, giết người…

Chúng ta hiện nay ngoài việc tuần tra kiểm soát giao thông, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông còn cần thiết thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người dân. Đặc biệt chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chấp hành luật giao thông ngay từ nhỏ cho các cháu thiếu nhi và ngay học sinh trong các trường học các cấp cần phải học thường xuyên và liên tục như là một môn học chính.

Mặt khác, Chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền và xây dựng lối sống văn minh ứng xử tốt đẹp giữa mọi người trong xã hội. Văn hóa giao thông chỉ là một phần của văn hóa ứng xử giao tiếp. Ngay bản thân chúng ta cũng phải tự ý thức hoàn thiện bản thân với những ứng xử tốt đẹp với chính mình và những người chung quanh góp phần vào sự phát triển của xã hội nói chung.

Xin cảm ơn luật sư!

Lam Nguyên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc