Bộ GTVT bị "buộc tội" cùng Uber, Grab

06:01, 20/11/2015
|

(VnMedia)- Mặc dù là hội thảo nhưng các tham luận chủ yếu là của Hiệp hội taxi Hà Nội và một số doanh nghiệp taxi, với những lập luận khá giống nhau “buộc tội” Grab, Uber và thậm chí cả Bộ Giao thông Vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải cũng bị "buộc tội" trong “cáo trạng” mới

Quả thực, những ai có mặt tại buổi hội thảo về Grab, Uber taxi sáng 19/11 đều có chung cảm giác hội thảo như một bản cáo trạng kéo dài suốt buổi sáng. Ngay từ tiêu đề, hội thảo để thể hiện khá rõ: Hội thảo “Hệ lụy của loại hình “Uber taxi, Grab taxi” và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng vận tải và phát triển bền vững”.

Không có sự phản biện của đại diện Uber, Grab – những “đối tượng” chính được mổ xẻ, tâm điểm của hội thảo là tham luận dài 9 trang A4 của Hiệp hội vận tải Hà Nội “khép tội” Uber, Grab cùng các ý kiến phụ họa của đại diện 4 hãng taxi Basao, Thanh Nga, VIC, Vạn Xuân (qua email) .

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, Uber và Grab taxi đang vi phạm pháp luật khi kinh doanh dịch vụ taxi nhưng không đáp ứng đủ các quy định về loại hình kinh doanh có điều kiện này như đăng ký kinh doanh, bảo đảm chất lượng, số lượng và niên hạn sử dụng phương tiện, gắn thiết bị giám sát hành trình, lắp đặt bảng hiệu, logo, đồng hồ tính cước…

Uber, Grab bị các hãng taxi truyền thống phản ứng dữ dội vì ảnh hưởng tới quyền lợi
Uber, Grab bị các hãng taxi truyền thống phản ứng dữ dội vì ảnh hưởng tới quyền lợi

Mặc dù không nói đích danh nhưng tham luận của ông Quân nhiều lần nói tới ý kiến về “vướng mắc pháp lý” đề xuất lên Chính phủ, thực chất là nói tới Công văn số 11098/BGTVT-VT ngày 20/8/2015 của Bộ Giao thông Vận tải xin thí điểm thực hiện đề án “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” của Công ty TNHH Grab taxi Việt Nam. Đại diện Hiệp hội vận tải cho rằng kiến nghị trên là “khó hiểu”, không cần thiết, “ý kiến này chứng tỏ không nghiên cứu kỹ Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” và dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật.

“Nay chỉ mỗi đặt vấn đề về việc hợp đồng điện tử có thể thay thế hợp đồng văn bản, một vấn đề không có gì để gọi là “vướng mắc pháp lý”, mà cho rằng có thể làm thay đổi bản chất và phạm vi kinh doanh (đối tượng hành khách) của loại hình kinh doanh xe hợp đồng đã được Nghị định 86 xác định, thì chúng tôi cho rằng đây là việc làm nhằm “đánh tráo” khái niệm giữa “xe hợp đồng” và “xe taxi” để vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh”- ông Quân nói.

Cũng theo đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội, sẽ có hàng loạt hệ quả tiềm ẩn từ việc kinh doanh “taxi” sử dụng phần mềm Grab/Uber, từ hệ quả kinh tế (đầu tư ít vốn, không phát triển thị trường mới, tiền bị chuyển ra nước ngoài) đến hệ quả xã hội (phá sản, thất nghiệp, rối loạn thị trường, ùn tắc giao thông). Từ đó, Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt tổ chức, cá nhận lợi dụng phần mềm kiểu Grab/Uber để kinh doanh trái pháp luật…

Quan ngại thiếu cơ sở

Có thể nói, khá nhiều lập luận của Hiệp hội vận tải Hà Nội không mới và thiếu cơ sở. Chia sẻ với chúng tôi, luật sư Võ Trí Hảo, khoa Luật, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, cho rằng, đề án thí điểm Grab Taxi có khá nhiều ưu điểm, chẳng hạn đối với cơ quan nhà nước, với việc thực hiện báo cáo định kỳ và đột xuất về hoạt động vận tải (thông qua quản lý trên hệ thống dữ liệu) sẽ là nguồn thông tin hữu ích để tăng cường công tác quản lý nhà nước. Khi dữ liệu giao dịch điện tử của các chuyến đi đã được lưu trên hệ thống, việc trốn thuế cũng không hề dễ dàng và Nhà nước có thể yêu cầu Grab Taxi cung cấp các dữ liệu này.

Hội thảo đã thiếu khách quan ngay từ tên gọi
Hội thảo đã thiếu khách quan ngay từ tên gọi

Trong khi đó, người tiêu dùng - hành khách sẽ được cung cấp một phương thức giao kết hợp đồng vận tải mới bằng thông điệp điện tử thuận tiện, an toàn và hiệu quả hơn phương thức giao dịch truyền thống. Ngoài ra, khi vận hành của các doanh nghiệp hiệu quả hơn và thị trường cạnh tranh hơn, thì khách hàng được hưởng lợi vì cước phí giảm.

Với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, hợp đồng điện tử sẽ giúp tăng hiệu quả kết nối với hành khách vì tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, vì thế hiệu quả kinh doanh được nâng. Chức năng đánh giá, phản hồi về chất lượng dịch vụ trên hệ thống sau khi kết thúc chuyến đi sẽ giúp đội ngũ lái nâng cao tính chuyên nghiệp.

Với xã hội, việc cung cấp dịch vụ kết nối cho xe hợp đồng GrabCar sẽ làm giảm ùn tắc giao thông và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng xe, nhờ vào việc giúp giảm thiểu thời gian chạy xe không có khách trên đường, tối ưu hóa cung đường di chuyển của xe nhằm đón và trả khách theo lộ trình hợp lý. Nếu đặt xe qua tổng đài taxi, cùng một lúc sẽ có vài xe tới đón. Nhưng gọi qua hệ thống Grab taxi, chúng ta sẽ giải quyết tình trạng nhiều xe cùng một lúc đến đón một khách khi gọi qua tổng đài.

Ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu

Mặc dù có những văn bản rất cứng rắn nhưng người đứng đầu Hiệp hội vận tải Hà Nội – Chủ tịch Bùi Danh Liên- lại có ý kiến ủng hộ loại hình kinh doanh hiện đại.

“Các loại hình kinh doanh này được dân ủng hộ, cơ quan truyền thông ủng hộ thì phải xem xét chứ. Còn nói các loại hình này lách luật thì chính các ông (các hãng taxi truyền thống - PV) là lách luật nhiều nhất” – ông Liên nói.

Tại hội thảo sáng 19/11, ông Võ Văn Mai, Viện công nghệ ứng dụng sáng tạo, cho rằng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải là xu hướng tất yếu và các hãng taxi truyền thống phải thay đổi, không nên đứng ngoài dòng chảy này mà việc hợp tác với các công ty phần mềm để nâng cao hiệu quả điều hành hoạt động taxi là điều nên làm.

Uber, Grab thậm chí góp phần giảm ùn tắc
Uber, Grab thậm chí góp phần giảm ùn tắc

Trước đó, chia sẻ về vấn đề này, luật sư Võ Trí Hảo cho rằng, công nghệ thông tin đã giải phóng sức lao động con người khỏi nhiều khía cạnh khác nhau; trong đó Internet đang thay đổi cách con người kết nối với nhau. Sự thuận tiện của công nghệ kết nối dịch vụ taxi không cần tổng đài đã rõ ràng mà Grab Taxi, Uber là một ví dụ. Người sử dụng dịch vụ không tốn tiền điện thoại, không người trực tổng đài, không cần có trung tâm điều độ, không cần miêu tả dài dòng mình đang ở đâu, không phải bực mình vì chờ hoài taxi không tới, chỉ cần một cái smart phone có kết nối internet và ấn nút.

“Công nghệ điều hành dịch vụ taxi truyền thông đã gặp hai vấn đề: (1) Không có đặt cọc, làm sao hai bên tin tưởng là sẽ khởi hành đúng lịch trình? (2) Người bạn đồng hành có tốt không? (3) Hẹn đón nhau ở đâu, biển số xe như thế nào? Công nghệ mới từ Grab, Uber đã giải quyết ba quan ngại này. Dù ở mô hình kinh doanh nào, trong số các lợi ích phải cân nhắc, lợi ích của người tiêu dùng và quyền tự do hợp đồng của họ phải được đặt làm trung tâm, bên cạnh các lợi ích khác và bao trùm hơn cả phải là lợi ích từ làn sóng công nghệ mới” – luật sư Võ Trí Hảo nói.


Ý kiến bạn đọc