Thuế nhập xe tải rục rịch tăng gấp đôi

08:31, 28/09/2015
|

(VnMedia) - Bộ Tài chính đang lên kế hoạch tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với nhiều dòng xe tải, xe chuyên dụng nhằm giải quyết bất cập xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc rẻ hơn xe lắp ráp trong nước hiện nay.

>>  Báo động ô tô Trung Quốc tràn vào Việt Nam 
>> Ô tô Trung Quốc bất ngờ tràn vào Việt Nam 
>> Quý I, ô tô nguyên chiếc ồ ạt về Việt Nam

Thuế nhập khẩu nguyên chiếc 10%, chi phí lắp ráp gần 27%


Mới đây, Công ty cổ phần ô tô TMT đã kiến nghị việc các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu linh kiện để sản xuất lắp ráp xe ô tô phải chịu nhiều loại chi phí đầu tư và sản xuất, lắp ráp: Các chi phí đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp tương đối lớn, thời gian thu hồi vốn lâu; chi phí quản lý, nhân công phục vụ sản xuất lắp ráp xe ô tô trong nước lớn hơn rất nhiều so với việc nhập khẩu nguyên chiếc xe tải; giá nhập khẩu bộ linh kiện rời rạc cao hơn so với khi nhập ô tô tải hoàn chỉnh do điều kiện khắt khe từ nhà cung cấp; giá đầu vào các linh kiện nội địa hóa cao.

Theo công ty TMT, với các chi phí nêu trên cộng thêm thuế nhập khẩu linh kiện (CKD) thì chi phí từng chủng loại xe nhập linh kiện từ Trung Quốc lắp ráp tạo ra thành phẩm sẽ tương ứng khoảng 24% đến 26,68%. Trong đó, đối với các dòng xe tải đến 20 tấn (theo tổng trọng lượng có tải), mức thuế suất của xe nguyên chiếc cao hơn nhập linh kiện rời lắp ráp từ 6% đến 44%.

Đặc biệt, đối với các dòng xe tải trên 20 tấn, mức thuế suất của xe nguyên chiếc thấp hơn nhập linh kiện rời lắp ráp từ 6,54% đến 16,76%.

Ảnh minh họa

  Thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc sắp tăng mạnh


Trước thực trạng này, công ty TMT kiến nghị  giữ nguyên thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp (nhập CKD) đối với các dòng xe trên 20 tấn, giảm thuế nhập khẩu MFN của 10 chủng loại linh kiện nhập khẩu để sản xuất các chủng loại xe tải thuộc 12 dòng thuế bằng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Đồng thời, công ty này đề nghị điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu chủng loại xe nhập nguyên chiếc (nhập CBU) đối với các dòng xe: Trên 20 tấn và không quá 24 tấn (mã HS 8704.23.29) tăng thêm 10% bằng 30%; trên 20 tấn và không quá 24 tấn sát si (mã HS 9836.20.00) tăng thêm 13% bằng 28%; trên 24 tấn và không quá 45 tấn tải tự đổ (mã HS 8704.23.66) tăng thêm 18% bằng 28%; trên 24 tấn và không quá 45 tấn loại khác (mã HS 9836.30.90) sát xi tăng thêm 15% bằng 30%.

Tăng tới gấp đôi thuế nhập xe nguyên chiếc

Hiện nay, danh mục Biểu thuế nhập khẩu phân chia các dòng thuế của xe tải thường theo trọng tải của xe gồm xe có tải trọng dưới 5 tấn; xe có tải trọng trên 5 tấn đến 6 tấn; xe có tải trọng trên 6 tấn đến 10 tấn; xe có tải trọng trên 10 tấn đến 20 tấn; xe có tải trọng trên 20 tấn đến 24 tấn; xe có tải trọng  trên 24 tấn đến 45 tấn và xe có tải trọng trên 45 tấn.

Tổng cộng có 19 dòng thuế của xe tải thường, trong đó có 3 dòng thuế có mức thuế MFN bằng mức cam kết WTO, 16 dòng thuế có mức thuế nhập khẩu thấp hơn cam kết WTO và dự kiến sẽ được Bộ Tài chính điều chỉnh tăng mạnh.

Chẳng hạn, ô tô tải thường dưới 5 tấn có cam kết WTO là 70%, thuế suất MFN là 68% dự kiến sẽ điều chỉnh từ 68% lên 70% bằng mức cam kết trần WTO. Tuy nhiên, xe tải có tải trọng trên 5 tấn nhưng dưới 6 tấn, động cơ xăng (mã hàng 8704.32.29), xe tải có tải trọng trên 6 tấn nhưng dưới 10 tấn, động cơ xăng (mã hàng 8704.32.46) và xe tải có tải trọng trên 5 tấn nhưng không quá 10 tấn, động cơ khác (mã hàng  8704.90.92) có thuế suất MFN hiện hành là 50%, cam kết WTO là 70%, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất 3 dòng thuế này từ 50% lên 70% bằng mức trần cam kết WTO.

Ảnh minh họa

  Dự kiến điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên chiếc của một số dòng xe tải thường


Đặc biệt, xe tải có tải trọng trên 10 tấn đến dưới 20 tấn, động cơ xăng” và “Xe tải có tải trọng trên 10 tấn đến dưới 20 tấn, động cơ khác” có thuế suất MFN hiện hành là 30%, cam kết WTO của mã hàng 8704.32.49 là 45%, cam kết WTO của mã hàng 8704.90.93 là 70%. Bộ Tài chính dự kiến tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu của hai dòng thuế này từ 30% lên 45% và 70%, bằng mức trần cam kết WTO.

Riêng với xe tải có tải trọng trên 45 tấn thuế suất MFN là 0%, cam kết WTO là 25%. Tuy nhiên, dòng xe tải trên 45 tấn là tư liệu sản xuất và thuộc chủng loại trong nước không có sản xuất, lắp ráp vì vậy Bộ Tài chính giữ nguyên thuế suất của 3 dòng thuế này.

Không chỉ với xe tải thường, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc với hàng loạt chủng loại xe tải khác như xe tải tự đổ, xe tải chuyên dùng... dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng mạnh, có khi tăng tới 150%. Chẳng hạn, xe tải tự đổ trên 24 tấn nhưng không quá 45 tấn, dự kiến tăng thuế suất từ 10% hiện nay lên 25%; xe tải tự đổ có tải trọng trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn tăng từ 20% hiện nay lên 50%...

Trước kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp ô tô, Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô hầu như không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc khuyến khích nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ những nước có công nghệ tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc... để sản xuất, lắp ráp xe trong nước. Do vậy trước mắt Bộ Tài chính đề nghị thực hiện mức thuế nhập khẩu ưu đãi MFN theo quy định hiện hành.

Về lâu dài, sau khi Bộ Công Thương ban hành Danh mục các loại phụ tùng, linh kiện cần khuyến khích đầu tư sản xuất và các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng, thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ ngành điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi linh kiện phụ tùng ô tô cho phù hợp với định hướng của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn tới.


Phương Vũ

Ý kiến bạn đọc