Thu phí tự động- mô hình thành công ở Đài Loan

14:59, 01/09/2015
|

(VnMedia)- Trong số các nước, vùng lãnh thổ Châu Á, Đài Loan có hệ thống giao thông và thu phí giao thông rất hiện đại, được quản lý và vận hành một cách quy củ. Đây là thành quả của sự mạnh dạn chuyển đổi và ứng dụng công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC) cho hệ thống giao thông của hòn đảo này.

Bước ngoặt chuyển đổi

Có mặt tại Đài Loan trong chuyến công tác của Bộ Giao thông Vận tải tìm hiểu về hệ thống thu phí tự động không dừng mới đây, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất chính là việc trên tất cả các tuyến cao tốc của hòn đảo này đã không còn bất kỳ trạm thu phí truyền thống nào. Thay vào đó, chỉ là các cổng long môn gắn thiết bị thu phí tự động mà tại đó, xe ô tô vẫn có thể chạy đều 100km/h. Đây là kết quả của một quá trình chuyển đổi về công nghệ mà đi cùng với đó là cả một câu chuyện về sự mạnh dạn đầu tư để đạt được mục tiêu.

Năm 2006, Đài Loan quyết định sẽ áp dụng thu phí tự động, sử dụng công nghệ OBU (On Board Unit) do Công ty thu phí điện tử Viễn Đông (FETC) thực hiện. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ này không thành công như mong đợi vì đến năm 2011, mới chỉ có 42,6% xe ô tô lắp đặt thiết bị OBU, chưa đáp ứng được mục tiêu 65% của Chính phủ. Một trong những nguyên nhân được chính phía FETC thừa nhận là do chi phí lắp đặt thiết bị OBU khá đắt đỏ, khoảng 1 nghìn Đài tệ, tương đương khoảng 31 USD. Kết quả kém khả quan này khiến FETC đối mặt với nguy cơ bị Chính phủ cắt hợp đồng làm công ty dịch vụ thu phí.

Ảnh minh họa

Đài Loan có 319 giá long môn (trạm thu phí điện tử không dừng), mỗi ngày xử lý 14 triệu lượt xe với độ chính xác 99,99%.


Trước tình thế này, kể từ đầu năm 2014, FETC xác định giải pháp khả quan nhất là chuyển đổi ứng dụng công nghệ định danh bằng tần số sóng vô tuyến (RFID). Sau một năm áp dụng trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam, số lượng khách hàng tăng vọt lên 94% tổng số ô tô của Đài Loan, vượt chỉ tiêu đặt ra một cách ngoạn mục. Với công nghệ mới, khách hàng chỉ cần gắn thẻ Etag có gắn chip cố định lên đèn hoặc cửa kính ô tô với giá thành chỉ 1,5 USD.

Trao đổi với các chuyên gia của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, các chuyên gia của FETC cho biết để đo lường hiệu quả của hệ thống thu phí tự động, Đài Loan đã thuê một công ty kiểm toán độc lập để đánh giá mức độ hữu dụng của hệ thống này trên gần 5 triệu phương tiện đã được gắn thẻ Etag. Kết quả cho thấy độ chính xác đạt tới 99,998%, tỷ lệ thu phí đạt 99,8%.

Đại diện FETC cũng cho biết, để vận hành hệ thống này, FETC đưa ra cho khách hàng nhiều hình thức trả phí linh hoạt. Khách hàng có thể trả phí qua thẻ ngân hàng được kết nối với thẻ Etag (hiện 43% khách hàng sử dụng phương pháp này), kết nối với tài khoản điện thoại, nạp tiền tại các cửa hàng tiện lợi hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh… Trong trường hợp thẻ hết tiền, khách hàng sẽ được nhắc nhở qua email, tin nhắn điện thoại và sẽ bị phong tỏa tài khoản nếu sau ba tháng không thanh toán phí.

Đặc biệt, nếu như trước đây người tham gia giao thông trả tiền phí theo chặng, thì với công nghệ Etag, tiền phí được tính theo km và được điều chỉnh linh hoạt tùy theo thời điểm, đảm bảo công bằng và rẻ hơn.

Và những chia sẻ kinh nghiệm đáng giá

Sau thành công hơn mong đợi, các chuyên gia của FETC cho rằng: thu phí tự động không dừng trên nền tảng công nghệ RFID sẽ trở thành sự lựa chọn được ưu tiên ở nhiều quốc gia khác khi muốn ứng dụng công nghệ thu phí tự động không dừng vào hệ thống giao thông. Góc nhìn đó là cơ sở để FETC mang đến cho phía Việt Nam những tư vấn về công nghệ hữu ích, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm hướng tới những lợi ích bền vững cho tất cả các bên liên quan.

Ảnh minh họa

Thử nghiệm thu phí không đừng tại trại thu phí Quảng Bình


Trao đổi với các chuyên gia Việt Nam, ông Douglas Hsu, Chủ tịch Tập đoàn FETC cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng ngay công nghệ thu phí sử dụng công nghệ RFID. Theo vị doanh nhân này, trên cơ sở hệ thống mà Đài Loan đang sử dụng, tùy vào tình hình cụ thể của Việt Nam, FETC hoàn toàn có thể tùy chỉnh thiết kế hệ thống riêng cho Việt Nam”.

Sau các cuộc thảo luận liên tục hồi đầu năm 2015, FETC cũng đã đạt được thỏa thuận lắp đặt hệ thống thiết bị thử nghiệm 3 trạm thu phí đầu tiên cho Việt Nam. Tháng 3/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã thử nghiệm thành công hệ thống thu phí tự động không dừng tại Trạm thu phí Quảng Trạch (Quảng Bình) trước sự chứng kiến của các nhà quản lý, chuyên gia về giao thông cũng như đông đảo giới truyền thông.

Sau thành công này, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc. Giữa tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tự động trên toàn quốc, giai đoạn I áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO).

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã công bố Danh mục Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, giai đoạn I áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Theo quyết định này, Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOO với mục tiêu là nhằm hiện đại hóa hệ thống thu phí và kiểm soát tải trọng xe.

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí, tiết kiệm chi phí tham gia giao thông, tạo thuận lợi và minh bạch việc thu phí, cung như kiểm soát tải trọng xe, từng bước xóa bỏ tình trạng xe quá tải và quản lý được các loại xe lưu thông, thông tin đăng kiểm phương tiện, thống kê lưu lượng xe giám sát tốc độ và một số tiện ích khác. Theo kế hoạch, việc thu phí và kiểm soát tải trọng xe sẽ được tiến hành song song và chắc chắn rằng, những bước chuyển này sẽ tạo ra diện mạo mới cho ngành giao thông vận tải Việt Nam.


Anh Nhi - Hạnh Minh

Ý kiến bạn đọc