Vios hay Grand i10 là xe bán chạy nhất Việt Nam?

08:46, 21/02/2015
|

(VnMedia)- Toyota Vios là xe có doanh số bán cao nhất trong số các thành viên VAMA với gần 9.300 chiếc nhưng thực tế rất có thể mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc Hyundai Grand i10 mới là xe bán chạy nhất Việt Nam hiện nay.

* Tháng 1, ô tô nhập đổ xô về Việt Nam
* Năm 2014, ô tô nhập khẩu lập kỷ lục trong 5 năm
* Top 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam 2014- Phần 2
* Top 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam 2014 - Phần 1

Ảnh minh họa

Nhiều khả năng Grand i10 mới là xe bán chạy nhất Việt Nam


Vios là ‘vua’ xe lắp ráp


Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán Vios trong năm 2014 vừa qua đạt 9.187 chiếc, nhưng theo công bố của Toyota Việt Nam, doanh số bán mẫu xe này đạt 9.277 chiếc. Dù số liệu nào là chính xác thì Vios vẫn là mẫu xe bán chạy nhất trong số các mẫu xe của các thành viên VAMA được công khai thông tin, dựa vào số liệu do chính các thành viên gửi tới.

Vios là mẫu xe giá ‘mềm’ nhất của Toyota Việt Nam, nhờ sự lột xác của thế hệ mới ra mắt hồi tháng 3/2014, tập trung vào thiết kế mới cả ngoại thất và nội thất mà mẫu xe này trở nên ‘sốt nóng’ hơn bao giờ hết, với doanh số trung bình gần 1.000 chiếc/tháng trong cả năm 2014 và doanh số cả năm tăng tới 167% so với năm 2013. Bước sang tháng 1/2015, doanh số của Vios là 1.106 chiếc, gấp gần 3 lần cùng kỳ.

Hiện Vios có 2 phiên bản động cơ: động cơ 1,5 lít công suất 107 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô men xoắn 141 Nm tại 4.200 vòng/phút; động cơ 1,3 lít công suất 84 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô men xoắn 121 Nm tại 4.400 vòng/phút. Vios 2014 có 3 phiên bản: Vios J (1.3 MT) giá 538 triệu đồng, Vios E (1.5 MT) giá 561 triệu đồng và Vios G (1.5 AT) giá 612 triệu đồng.

Ảnh minh họa

Vios 2014 lột xác về thiết kế và trang bị ngoại thất, nội thất


Grand i10 là ‘vua’ xe nhập khẩu


Được tung ra thị trường từ trung tuần tháng 12/2013, Grand i10 lập tức gây sốt trên thị trường ô tô Việt Nam với lượng đơn đặt hàng lên tới hàng nghìn chiếc chỉ sau chưa đầy 2 tuần ra mắt. Không dừng lại ở đó, cơn sốt Grand i10 gia tăng trong suốt năm 2014 dù nhà nhập khẩu là công ty Hyundai Thành Công chưa công bố cụ thể về doanh số bán mẫu xe này.

Dẫu vậy, do Grand i10 được nhập khẩu nguyên chiếc tại Ấn Độ - nơi Hyundai đặt nhà máy và thiết kế mẫu xe nhỏ giá rẻ này chủ yếu tập trung cho thị trường ô tô giá rẻ hàng đầu thế giới- nên số liệu nhập khẩu xe ô tô từ Ấn Độ cũng cho chúng ta khá nhiều thông tin thú vị.

Cụ thể, vẫn theo thống kê của Tổng cục Hải quan, các năm trước 2014, lượng xe nhập khẩu từ Ấn Độ đều dưới 3.000 chiếc/năm: Năm 2009 chưa có mẫu xe nào được nhập về Việt Nam từ Ấn Độ; năm 2010 là 893 chiếc, kim ngạch gần 12 triệu USD (hơn 13.000 USD/chiếc); năm 2011 là 2.700 chiếc, kim ngạch 32,5 triệu USD (gần 12.000 USD/chiếc); năm 2012 là 1.277 chiếc, kim ngạch 24 triệu USD (gần 19.000 USD/chiếc); năm 2013 là 1.161 chiếc, kim ngạch 31 triệu USD (gần 27.000 USD/chiếc).

Tuy nhiên bước sang năm 2014 vừa qua, có 13.315 chiếc xe nguyên chiếc được nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam, tổng kim ngạch 64 triệu USD. Đặc biệt trong tháng 1/2015 vừa qua, có tới 3.263 chiếc ô tô nguyên chiếc được nhập từ Ấn Độ về, kim ngạch gần 12 triệu USD!. Lượng xe nhập khẩu tăng vọt, kim ngạch nhập khẩu trung bình lại cực thấp và Grand i10 được cho là mẫu xe chủ chốt tạo ra hiện tượng này, dù đàn anh Hyundai i20 cũng rục rịch về Việt Nam theo con đường nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ.

Ảnh minh họa

Hyundai Grand i10 hatchback

Ngoài ra, nếu xét một cách tương đối, lượng nhập khẩu những năm trước đó cao nhất không quá 3.000 chiếc/năm thì lượng xe Grand i10 nhập về năm qua không dưới 10.000 chiếc và mẫu xe này được cho là có doanh số bán cao hơn Vios (dù còn phải tính tới yếu tố tồn kho).

Grand i10 có lợi thế về giá

Cùng mang tên i10 nhưng Grand i10 được xem là sự đột phá về thiết kế, trang bị so với đàn em i10 trước đó. Xe có những trang bị thường chỉ thấy trên các dòng xe cao cấp hơn như nút nhấn khởi động, chìa khóa thông minh, cửa gió cho hàng ghế phía sau... Ngoài ra, Grand i10 còn có gương chiếu hậu chỉnh điện, gập điện; nút điều chỉnh âm thanh và kiểm tra thông số hành trình trên vô lăng khá tiện ích.

Grand i10 hatchback có 3 phiên bản, sử dụng 2 loại động cơ Kappa dung tích 1,0 và 1,2 lít, trong đó bản 1,0 lít sử dụng 3 xi lanh, cho công suất cực đại 66 mã lực tại 5.500 vòng/phút, mô men xoắn cực đại 94 Nm tại 3.500 vòng/phút, đi kèm số sàn 5 cấp hoặc số tự động 4 cấp. Bản động cơ 1,2 lít cho công suất cực đại 86 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô men xoắn cực đại 120 Nm tại 4.000 vòng/phút, đi kèm số tự động 4 cấp. Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình trong điều kiện thử nghiệm là 5,5 lít/100 km với bản 1.0 AT.

Grand i10 hatchback có giá công bố 359 triệu đồng bản 1.0 MT Base, 387 triệu đồng với bản 1.0 MT, 417 triệu đồng với bản 1.0 AT và 457 triệu đồng với bản 1.2 AT.

Điểm chung xe taxi


Trong ‘thế giới’ xe taxi tại Việt Nam, Vios được cho là mẫu taxi cỡ nhỏ sang trọng nhất, được sử dụng phổ biến tại các thương hiệu taxi lớn nhất như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group…Sự bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu, rộng rãi của Vios đã được chứng minh nhiều năm qua tại Việt Nam khiến mẫu xe này trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho các hãng taxi. Mặc dù Toyota không công bố số liệu cụ thể nhưng tỷ lệ xe Vios dành cho taxi không phải nhỏ.

Ảnh minh họa

Grand i10 sedan mới ra mắt tại Việt Nam.

Về phần mình, Grand i10 hatchback tạo cơn sốt trên thị trường năm 2014, được thể hiện rõ nhất trên thị trường taxi khi rất nhiều hãng đua trang bị mẫu xe này và chúng ta dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường Hà Nội và khu vực phía Bắc. Đặc biệt, theo nguồn tin chưa chính thức, lượng xe Grand i10 làm taxi chiếm khoảng 60-70% số xe đã bán ra trong năm 2014 vừa qua.

Đến trung tuần tháng 1/2015, Hyundai Thành Công tiếp tục đưa về Grand i10 sedan chủ yếu dành cho taxi khi cắt giảm khá nhiều trang bị để có mức giá hấp dẫn 399 triệu đồng – trở thành mẫu sedan mới giá mềm nhất tại Việt Nam. Xe được trang bị động cơ Kappa 1,2 lít cho công suất cực đại 87 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn 120 Nm tại 4.000 vòng/phút, hộp số sàn 5 cấp.


Hữu Thọ - ảnh QT

Ý kiến bạn đọc