Thị trường ô tô Việt Nam quá “đỏng đảnh”

07:44, 23/08/2013
|

(VnMedia)- Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém của công nghiệp ô tô Việt Nam suốt nhiều năm qua được cho là thị trường đỏng đảnh và phức tạp…

Nhận định này được ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi tọa đàm về công nghiệp ô tô diễn ra ngày 22/8 tại Hà Nội.

20 năm vẫn… sơ sài

Theo ông Quân, qua gần 20 năm xây dựng và phát triển và gần 10 năm thực hiện quy hoạch, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực như có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các DN thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có một số tập đoàn ô tô lớn trên thế giới (Toyota, Ford, Nissan, Mercedes...) và hình thành nên một ngành công nghiệp lắp ráp ô tô. Tính đến nay, đã có 18 doanh nghiệp FDI và 38 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất- lắp ráp ô tô với năng lực khoảng 460 ngàn xe/năm, gồm đầy đủ các chủng loại xe con (200 ngàn xe/năm), xe tải (215 ngàn xe/năm)...

Các doanh nghiệp ô tô đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước (bình quân khoảng hơn 1 tỷ USD/năm- chỉ tính riêng các khoản thuế) và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 80 ngàn lao động.

Ảnh minh họa

Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là đỏng đảnh, phức tạp. ảnh minh họa

Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hoá đạt thấp, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 đối với loại xe thông dụng (xe tải, xe khách, xe con); đến nay chủ yếu mới đạt bình quân khoảng 7- 10% đối với xe con (Thaco đạt 15- 18%, Vinaxuki đạt khoảng 40%) và đến 35- 40% đối với xe tải nhẹ (Thaco đạt khoảng 33%, Vinaxuki đạt khoảng 50%).

Cùng với đó, ngành công nghiệp ô tô chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (mới ở mức độ lắp ráp), dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 3 công đoạn chính là hàn, tẩy rửa sơn, lắp ráp ! Ngành công nghiệp phụ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành, nhưng còn yếu kém, chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa…

Đặc biệt mục tiêu có giá bán xe hợp lý, phù hợp với túi tiền người Việt Nam chưa đạt được; giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, chất lượng xe mặc dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu…

Thị trường đỏng đảnh, phức tạp

Đánh giá về nguyên nhân của hiện trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng quan điểm phát triển nhanh ngành công nghiệp ô tô và một số mục tiêu quan trọng mang tính chủ quan và kỳ vọng, chưa lường hết khó khăn về phát triển hạ tầng giao thông, tính phức tạp và đỏng đảnh của thị trường ô tô VN (dự kiến năm 2010 tiêu thụ 240 ngàn xe, thực tế chỉ đạt 140 ngàn xe).

Đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều chưa nhận thức hết tầm quan trọng của CN hỗ trợ, vì vậy, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách phát triển ngành CN phụ trợ nói chung và cho ngành CN ô tô nói riêng ban hành chậm (tháng 10/2004 phê duyệt QH ô tô; đến tháng 7/2007 mới phê duyệt Quy hoạch đầu tiên của ngành CN hỗ trợ; đến tháng 2/2011 mới ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của TTg về chính sách phát triển một số ngành CN hỗ trợ (trong đó có ngành SX-LR ô tô); tuy có đề cập một số ưu đãi, nhưng tính thực thi của chính sách hạn chế (đặc biệt là tín dụng) - việc tiếp cận và vay vốn ưu đãi khó khăn, phức tạp. Các DN chủ yếu quan tâm đến việc lắp ráp ô tô với ttư tưởng “ăn sổi”.

Ảnh minh họa

Tọa đàm ngày 22/8 tại Hà Nội. ảnh Báo CT

Đặc biệt, ông Quân nhận định, do thị trường ô tô nội địa thực tế quá nhỏ bé, sản lượng xe sản xuất- lắp ráp trong nước chỉ ở mức độ 100- 120 ngàn xe/năm với hàng trăm mẫu mã, chủng loại xe, vì vậy việc đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô là không hấp dẫn do khó mang lại hiệu quả. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như hạ tầng giao thông yếu kém, thuế, phí cao và nhiều…

Cơ hội vẫn còn

Đánh giá về cơ hội của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng cơ hội này vẫn đang rất lớn vì Việt Nam có dân số đông, hiện nay khoảng 86 triệu, sau năm 2020 dự kiến vượt ngưỡng 100 triệu; mức sống và thu nhập dần được cải thiện và nâng cao (dự kiến sau năm 2020, thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 2.000 USD/người/năm), điều kiện hạ tầng giao thông được cải thiện

“ Đây là các yếu tố hết  sức quan trọng để tăng nhu cầu sử dụng ô tô (dự kiến năm 2020- 400 ngàn xe , 2030- khoảng 2 triệu xe,  đặc biệt là ô tô con đến 9 chỗ trong chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu)- một số chuyên gia nhận định sau năm 2020 sẽ là giai đoạn bùng nổ - phổ cập hoá ô tô đối với VN và một số nước làng giềng ASEAN lân cận (Lào, Campuchia v.v)”- ông Quân nói.

Cùng với đó, ngành công nghiệp ô tô vẫn được Chính phủ xác định là ngành công nghiệp chủ lực, quan trọng.

Ảnh minh họa

Sản xuất, lắp ráp xe bus tại nhà máy của Trường Hải. ảnh QT

Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng cơ hội còn ở xu thế dịch chuyển sản xuất ô tô từ châu Mỹ và châu Âu sang châu Á, Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong ASEAN và châu Á sau 2018; phân chia sản xuất với Thái Lan và Indonesia là hai nước chế tạo tay lái nghịch…

Tuy nhiên, thách thức phía trước cũng không phải là nhỏ, trong đó từ năm 2018, Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn, cạnh tranh khốc liệt; công nghiệp ô tô thế giới đang chuyển sang công nghệ cao, thân thiện môi trường

Dù mới tới Việt Nam nhưng với vai trò là Chủ tịch VAMA, ông Jesus Metelo Arias, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cũng nhận định thách thức lớn cho công nghiệp ô tô Việt nam là quy mô nhỏ bé, chưa có nhà cung cấp mang tính công nghệ cao mà chỉ dừng ở mức thủ công là kính, ắc quy… ; môi trường chính sách không ổn định, khó dự báo…


Quỳnh Trang

Ý kiến bạn đọc