Doanh nghiệp ô tô Việt đã hội nhập, nhưng chỉ gia công và lắp ráp

16:21, 07/09/2017
|
(VnMedia) - Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành điện tử và ô tô xe máy của Việt Nam đã hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn chung, Việt Nam mới chỉ tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp ở công đoạn sản suất cuối cùng và chưa kết nối được nhiều với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
 
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Giới thiệu báo cáo Việt Nam trước ngã rẽ - tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài”, vừa được Bộ Công Thương Việt Nam và Ngân hàng thế giới (World Bank) phối hợp tổ chức sáng nay (7/9).
 
FDI mang lại lợi ích về xuất khẩu, giảm nghèo cho Việt Nam
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tự do hóa thương mại đã mang lại nhiều kết quả thiết thực về đầu tư kinh doanh cho Việt Nam. Kết quả này không chỉ được nhìn nhận ở một khía cạnh mà quan trọng hơn, Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đem lại cơ hội cho doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút FDI, tiếp cận các công nghệ tiên tiến, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện thể chế kinh tế.
 
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thươngg, Việt Nam đang ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, do Việt Nam chỉ tham gia vào những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là lắp ráp, gia công. Bằng chứng, tại Việt Nam, có 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế chứ không phải sản xuất.
 
Dẫn báo cáo của VCCI, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong số các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung cứng, chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn, 2-5% là doanh nghiệp vừa, còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
 
“Vấn đề chính của doanh nghiệp là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính. Thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, rất ít doanh nghiệp kết nối được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định.
 
Một số doanh nghiệp trong ngành điện tử và ô tô xe máy của Việt Nam đã hội nhập nhưng mới chỉ tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp. Ảnh minh họa
Một số doanh nghiệp trong ngành điện tử và ô tô xe máy của Việt Nam đã hội nhập nhưng mới chỉ tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp. Ảnh minh họa
Theo ông Ousmane Dion, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, FDI mang lại các lợi ích về xuất khẩu, việc làm, giảm nghèo cho Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao bởi Việt Nam chỉ tham gia vào chuỗi hoạt động cuối cùng.
 
“Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phát triển để đa dạng hóa và đem lại giá trị gia tăng cao, tận dụng những đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng lớp đối tượng mới. Vấn đề đặt ra, Việt Nam sẽ đi theo con đường nào vươn lên trong chuỗi giá trị để đem lại giá trị cao hơn”, ông Ousmane Dion nói.
 
Đồng tình với quan điểm này, ông Charles Kunaka- Chuyên gia kinh tế trưởng, Vụ Thương mại, Khối Thương mại và Cạnh tranh, Ngân hàng thế giới phân tích, Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó tạo ra việc làm, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất cuối cùng đem lại giá trị gia tăng thấp, trong đó có liên kết trong nước còn yếu.
 
Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài nếu nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu
 
Theo báo cáo mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới, tham gia vào các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn và đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế, có thể giúp Việt Nam chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
 
Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành điện tử và ô tô xe máy của Việt Nam đã hội nhập thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn chung, Việt Nam mới chỉ tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp ở công đoạn sản suất cuối cùng và chưa kết nối được nhiều với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
 
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có thể chọn đi theo hướng đa dạng hóa và hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước có tinh thần đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tạo ra các sản phẩm "sáng chế tại Việt Nam". Các cơ chế chính sách, nhằm tăng cường năng lực và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước, sẽ tạo điều kiện cho họ kết nối với các doanh nghiệp FDI và vươn ra thị trường quốc tế.  
 
Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị chính để giúp Việt Nam tiến sát hơn với mục tiêu của mình. Đó là cải thiện sự phối hợp giữa các bộ  ngành, tạo thuận lợi về trao đổi thông tin và liên hệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời hỗ trợ có mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh của một số nhà cung ứng trong nước.
 
Cũng theo báo cáo này, nếu đạt được vị thế cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có thể thu hút thêm đầu tư nước ngoài quy mô lớn, qua đó tạo thêm việc làm và tạo thêm cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước. Nhưng để đạt mục tiêu đó, theo báo cáo, cần phải có một gói sáng kiến cải cách toàn diện như thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hạ tầng thông qua đẩy mạnh huy động vốn của khu vực tư nhân, áp dụng cách tiếp cận tổng hợp hơn trong phát triển các hành lang giao thông.
 
Cùng với đó, phát triển các thị trường dịch vụ cạnh tranh và tự do hóa các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hợp lý hóa các thủ tục biên giới để nâng cao minh bạch và khả năng tiên liệu. Thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển để đảm bảo nhu cầu mạnh mẽ và đầu tư về công nghệ. 
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc