Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu thế giới đối với nhà đầu tư nước ngoài

13:33, 16/12/2017
|

(VnMedia) - Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đang nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu và một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới đối với đầu tư FDI.

Việt Nam đã ký kết nhiều FTA hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, hoạt động logistics và kết nối hiệu quả và tối ưu là yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Logistics hiệu quả càng đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu như Việt Nam. Điều này sẽ giúpViệt Nam tăng năng suất để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình.

Theo ông Ousmane Dione, nhờ có chính sách mở cửa nhất quán và lấy tăng trưởng xuất khẩu làm đầu tàu, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng. Công cuộc cải cách kinh tế tiến hành từ thập niên 1990 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo.

Bằng chứng, trong 20 năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực, nhờ đó trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới, với tỷ trọng kim ngạch thương mại trên GDP đạt trên 170%. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân 15% trong 5 năm qua, cao gần gấp 5 lần tăng trưởng thương mại toàn cầu. Nhờ đó, Việt Nam hiện đang nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu và một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới đối với đầu tư FDI, thu hút khoảng 35 tỷ USD vốn đăng ký vào năm 2017.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

“Nhưng số lượng không phải lúc nào cũng đi cùng với chất lượng. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu đã tăng mạnh, Việt Nam vẫn chỉ thực hiện những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Kết quả xuất khẩu chủ yếu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI, hiện đang chiếm tới 70% tổng giá trị xuất khẩu, qua đó cho thấy mối liên kết yếu giữa các doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Ousmane Dione phân tích.

Thêm vào đó, chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn mức bình quân của khối ASEAN. Tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu 14%. Dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả logistics, mà bằng chứng là việc thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh.

Tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể là một yếu tố quyết định

Trước những lợi thế và bất lợi trên, ông ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam cần một giải pháp để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu bên cạnh tự do hóa thương mại nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035, khi nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu đã phát triển lên trình độ mới, bảo đảm duy trì tăng trưởng nhanh.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần tăng cường kết nối. Bởi khi khả năng kết nối trở nên có hiệu quả, thì sẽ tăng cường được mối liên kết giữa sản xuất và thị trường thế giới. Từ đó sẽ giảm được chi phí thương mại và tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp trong nước về thực hiện đơn hàng.

Cùng với đó, ông Ousmane Dione cũng cho rằng, việc tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể là một yếu tố quyết định.

Theo phân tích của ông Ousmane Dione, các xu hướng toàn cầu cho thấy lợi ích có được từ tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể lớn hơn nhiều lợi ích từ giảm thuế quan, đặc biệt khi mà mức thuế quan hiện đã khá thấp ở phần lớn các lĩnh vực.Tăng cường tạo thuận lợi thương mại thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan và các quy định quản lý chuyên ngành có rất nhiều quy định phải tuân thủ, mà theo ước tính của Ngân hàng Thế giới chiếm tới 76% thời gian cần thiết để nhập khẩu để đáp ứng các yêu cầu quản lý thủ tục ở trước và tại cửa khẩu.

Một vấn đề nữa cũng được ông Ousmane Dione đưa ra là, để thành công, một đòi hỏi quan trọng là phải có sự phối hợp, cộng tác liên ngành với doanh nghiệp.

Cuối cùng, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, theo dõi và đo lường được tiến độ cải cách cũng rất quan trọng. “Như thường nói, những gì không thể đo được thì khó được cải thiện. Chúng tôi thấy việc thu thập và duy trì dữ liệu về logistics và hiệu quả tạo thuận lợi cho thương mại là rất quan trọng để triển khai các cải cách và hoạt động thích hợp. Có được số liệu thống kê chính xác về logistics và vận tải sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách chính xác hơn, trong khi thách thức đầu tiên của Việt Nam là chưa có cơ sở dữ liệu ban đầu của hoạt động vận tải và logistics. Về vấn đề này, Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải xây dựng một cơ sở dữ liệu và các chỉ số toàn diện về logistics ở Việt Nam, được gọi là Hệ Thống Thống Kê Logistics Quốc gia Việt Nam”, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới cho hay. 

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc