Châu Âu trước nguy cơ chết cóng nếu mất khí đốt từ Nga

15:13, 17/12/2017
|

Nếu đường ống dầu khí từ Nga sang châu Âu đột ngột bị gián đoạn, chỉ sau 15 ngày châu Âu sẽ bất lực trong lạnh giá.    

Người châu Âu sẽ chỉ chịu được rét trong vòng nửa tháng trước khi bất lực vì thiếu nguồn năng lượng Nga.
Người châu Âu sẽ chỉ chịu được rét trong vòng nửa tháng trước khi bất lực vì thiếu nguồn năng lượng Nga.

 

RT đã đặt ra tình huống toàn bộ châu Âu đột ngột bị gián đoạn nguồn cấp khí đốt từ Nga sau khi một cơ sở tiếp nhận và phân phối khí đốt ở Áo bất ngờ nổ tung hôm 12/12.

Nhà phân tích hàng đầu tại TeleTrade- Petr Pushkarev đã đưa ra vài con số cho thấy sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga ở châu Âu vẫn rất lớn.

"Ở Italia, khí đốt Nga chiếm 37% lượng nhập khẩu. Ở Đức tỉ lệ này ít hơn một chút, khoảng 28%. Nếu đột ngột bị cắt nguồn năng lượng từ Nga, Ý sẽ chỉ tự lực được trong 15 ngày. Trong khi Đức có thể tồn tại lâu hơn 1 tuần" - nhà phân tích nhận định.

Các nước khác ở Châu Âu thậm chí còn phụ thuộc vào khí đốt Nga hơn cả Italia và Đức, và chỉ có thể tồn tại thậm chí ít hơn mức 2 tuần của Italia.

"Sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Slovenia, Hy Lạp và Hungary ở mức từ 41-45%. Không có khí đốt của Nga, họ sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng sau khoảng 10 ngày" - ông Pushkarev nói.

Đặc biệt là Cộng hòa Séc, Slovakia, Phần Lan, Lithuania, Latvia, Estonia gần như phụ thuộc 100% vào khí đốt Nga.

Theo Ivan Karyakin, chuyên gia phân tích đầu tư của Global FX, Liên minh Châu Âu đang hợp tác để liên kết các đường ống dẫn khí từ châu Âu, châu Á và châu Phi vào các mạng lưới đường ống xuyên châu Âu (TEN) để cung cấp nguồn cung cấp khí an toàn cho châu lục này.

Tập đoàn dầu khí Nhà nước Nga Gazprom cũng đi theo chiến lược tương tự khi mở rộng thêm các tuyến đường vận chuyển khí hóa lỏng LNG ở Bắc Cực.

Điều này khiến các nước châu Âu chia rẽ.

Những người ủng hộ khí đốt Nga ở EU là Áo, Hungari, Đức, và các đối thủ là các nước Bắc Âu, các nước Baltic và một số nước ở phía Nam.

Chuyên gia Ivan Karyakin cho rằng, nếu Gazprom thực hiện được tất cả các dự án nằm trong kế hoạch của họ, khí đốt từ Nga chắc chắn sẽ thay thế toàn bộ năng lực tự cung cấp nhiên liệu của các nước châu Âu, đồng thời đánh bật các đối thủ không xứng tầm khác như Mỹ hay Qatar.

"Rõ ràng cả dầu khí và LNG của Nga sẽ cạnh tranh tốt bởi nó sẽ rẻ hơn và có nhiều cơ hội để cung cấp giá rẻ cho châu Âu" - ông Karyakin nhận định.

Đây là một mối đe dọa lớn cho các nhà khai thác dầu ở Mỹ và cũng do đó, các biện pháp trừng phạt Nga đã được đưa vào trong sắc lệnh, được luật hóa và được Quốc hội Mỹ bảo bọc.

Khi sự cạnh tranh càng khốc liệt, đáng lẽ người được hưởng lợi phải là khách hàng. Nhưng dường như những "vị Thượng Đế" châu Âu không cảm thấy an tâm.

Nếu vì lợi ích kinh tế, họ chắc chắn sẽ lựa chọn Gazprom. Đáng nói, sự can thiệp của nguồn năng lượng tới từ Mỹ sẽ chẳng bảo đảm cho an ninh năng lượng châu Âu. Ngược lại, nó đang ngăn châu Âu có được các nguồn cấp thuận lợi và giá rẻ.

"Brussels chắc chắn hiểu rằng việc thay thế đường ống khí đốt của Nga bằng khí hóa lỏng LNG Mỹ không hề làm tăng mà thậm chí còn làm giảm an ninh năng lượng của EU.

Nhiều khả năng, họ sẽ không từ bỏ hợp tác với Gazprom. Nhưng Gazprom cũng sẽ phải chịu đựng vì các áp lực của Mỹ" - ông Karyakin nói.

Còn theo nhà phân tích Petr Pushkarev thì chỉ khi nào rủi ro như vụ nổ trạm trung chuyển khí đốt ở Áo xảy ra, nguồn năng lượng từ Mỹ và Qatar mới thực sự có ý nghĩa.

"LNG rất đắt. Nó tiêu tốn chi phí nhiều hơn tới 50- 70% so với đường ống dẫn khí. Nó chỉ có lợi thế là không yêu cầu vấn đề kỹ thuật quá lớn. Do vậy, so với ở châu Âu, Washington không có cơ hội để lôi kéo Nga khỏi thị trường" - ông Petr Pushkarev nhận xét.

Trong năm qua, Mỹ đã tăng nguồn cung cấp LNG cho châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 6% lượng nhập khẩu LNG của châu Âu là tới từ Mỹ.

Bởi thiếu năng lực cạnh tranh nên Mỹ đã tìm nhiều cách để áp chế các khả năng Nga cấp năng lượng sang EU.

Giám đốc điều hành của hãng năng lượng Đức Uniper -  Klaus Schaefer - hồi tháng 8 đã lên tiếng cảnh báo điều này.

Ông  Klaus Schaefer cho rằng: "Lý do cốt lõi (đối với các biện pháp trừng phạt) là lợi ích kinh tế chiến lược, có nghĩa là sự thống trị mục tiêu của Mỹ trong các thị trường năng lượng".

Các lô hàng của Mỹ đắt hơn 50% so với giá tham khảo của Châu Âu.

"Không ai muốn trả khoản chi phí rủi ro như vậy" - ông nói.

(Theo Báo đất Việt)


Ý kiến bạn đọc