Xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI

10:30, 09/11/2017
|
(VnMedia) - Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 17,63 tỷ USD, còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,40 tỷ USD. Thực trạng này tiếp tục cho thấy sự phụ thuộc của thương mại và tăng trưởng kinh tế vào khu vực FDI.
 
Kinh tế Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng tích cực
 
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tiếp đà hồi phục mạnh mẽ của quý III, kinh tế Việt Nam đang duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong tháng đầu của quý IV. Trong bối cảnh ngành khai khoáng tăng trưởng âm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực dẫn dắt lĩnh vực sản xuất công nghiệp đạt mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây.
 
Theo đó, tính chung 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức 7,3% của cùng kỳ năm 2016 và đạt mức cao thứ 2 trong vòng 5 năm trở lại đây.
 
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính của sản xuất công nghiệp khi tính chung 10 tháng tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 11%).
 
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng ngành khai khoáng vẫn ở mức âm (10 tháng đầu giảm 7,4% so với cùng kỳ 2016). Tuy nhiên, mức giảm đã được cải thiện đáng kể so với những quý đầu năm.
 
Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã có những diễn biến tích cực khi đạt 51,6 điểm trong tháng 10, tiếp tục duy trì tháng thứ 23 liên tiếp đạt mức tăng trên 50 điểm.
 
Kinh tế Việt Nam đang duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong tháng đầu của quý IV. Ảnh minh họa
Kinh tế Việt Nam đang duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong tháng đầu của quý IV. Ảnh minh họa
 
Tổng cầu duy trì được sự cải thiện tích cực nhờ cầu tiêu dùng tăng khá cán cân thương mại tiếp tục thặng dư do kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh và giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước tăng tốc trong quý IV.
Cầu tiêu dùng tiếp tục xu hướng cải thiện rõ nét bắt đầu từ quý 3/2017. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm nay (loại trừ yếu tố giá) tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức 9% của cùng kỳ năm 2016.
 
Cán cân thương mại tháng 10 tiếp tục thặng dư (ước xuất siêu 900 triệu USD), góp phần không nhỏ vào việc cải thiện tổng cầu của nền kinh tế. Như vậy, cán cân thương mại trong 3 tháng gần đây đã có mức xuất siêu tới 3,76 tỷ USD (tính đến hết tháng 7, thâm hụt 2,53 tỷ USD) để đưa cán cân thượng mại 10 tháng đạt mức thặng dư 1,23 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, xét theo khu vực kinh tế, trong khi khu vực FDI xuất siêu 17,63 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,40 tỷ USD. “Thực trạng này tiếp tục cho thấy sự phụ thuộc của thương mại và tăng trưởng kinh tế vào khu vực FDI”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhấn mạnh.
 
Giải ngân vốn đầu tư Ngân sách Nhà nước cải thiện tích cực cho thấy hiệu quả của Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Nếu như đến hết tháng 7/2017, vốn đầu tư từ Ngân sách Nhà nước mới giải ngân được 47,2% kế hoạch năm thì đến hết tháng 10 đã giải ngân được 72,5% kế hoạch năm, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2016.
 
Dù vậy, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề cần được ưu tiên trong 2 tháng cuối năm để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung.
 
Lạm phát gia tăng chủ yếu do tăng giá dịch vụ công
 
Thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 2,25% so với đầu năm và tăng 2,98% so với cùng kỳ.
 
So với tháng trước, CPI tháng 10 tăng chủ yếu do: giá dịch vụ y tế tăng 2,14%, đóng góp làm CPI tăng khoảng 0,11 điểm %; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng tăng 0,63% làm CPI tăng khoảng 0,1 điểm %.
 
Tính chung 10 tháng đầu năm, các nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng lần lượt là: dịch vụ y tế tăng 43,44% so với cùng kỳ, góp phần làm CPI tổng thể tăng 1,68 điểm %; giá thép liên tục tăng trong thời gian qua đã khiến giá nhóm nhà ở điện nước tăng 5,18%, góp phần làm CPI tổng thể tăng 0,81 điểm %; nhóm giao thông tăng 5,21% so với cùng kỳ góp phần làm CPI tổng thể tăng 0,49 điểm %; nhóm dịch vụ giáo dục tăng 7,26% so với cùng kỳ góp phần làm CPI tổng thể tăng 0,4 điểm %.
 
Ở chiều ngược lại, giá thực phẩm giảm 2,81% so với cùng kỳ làm CPI giảm khoảng 0,64 điểm %.
 
Với những diễn biến trên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, sức ép khiến lạm phát gia tăng chủ yếu do tăng giá dịch vụ công (y tế, giáo dục), giá thép và giá xăng dầu. Nếu loại trừ tăng giá dịch vụ công, CPI tháng 10 tăng 1,1% so với cùng kỳ và tăng 0,72% so với đầu năm. Lạm phát cơ bản tiếp tục duy trì ở mức thấp, tăng 1,32% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2016 tăng 1,86%).
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc