Sửa 16 Nghị định khi cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh thuộc ngành Công Thương

06:37, 24/11/2017
|
(VnMedia) – “675 điều kiện kinh doanh thuộc ngành Công Thương dự định cắt giảm đều liên quan đến các Nghị định do Chính phủ ban hành và động chạm đến 16 ngành nghề. Do đó, để cắt giảm, ít nhất Bộ Công Thương phải trình sửa đổi 16 Nghị định”.
 
Thông tin trên được Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra tại buổi Tọa đàm “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” vừa diễn ra.
 
Cắt giảm điều kiện kinh doanh gắn với cải cách thủ tục hành chính
 
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cắt giảm, hợp lý hóa, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh đã được Bộ Công Thương triển khai ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới. Cụ thể, từ tháng 7/2016, khi hướng dẫn Luật Đầu tư mới. Bộ đã chủ động xóa bỏ 3 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tái nhập, tái xuất. Đến tháng 12/2016, Bộ đã đưa ra phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương trong năm 2017.
 
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong phương án trên, Bộ đã yêu cầu giảm bớt 22 điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực do ngành Công Thương quản lý.
 
Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 8 Nghị định có liên quan đến một số ngành nghề kinh doanh như kinh doanh hóa chất, kinh doanh khí hóa lỏng... Trong đó, có chút ý đến giảm bớt điều kiện kinh doanh, quyết định ngày 20/9 vừa qua của Bộ trưởng Bộ Công Thương là bước tiếp theo trong cả tiến trình này. Với việc cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực do Bộ quản lý, chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh đã thống kê được do ngành công thương quản lý.
 
Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh đã động chạm đến khoảng 16 ngành nghề. Ảnh minh họa
Cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh đã động chạm đến khoảng 16 ngành nghề. Ảnh minh họa
 
Chia sẻ về những tiêu chí trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh cho biết, có 5 tiêu chí.
 
Thứ nhất, xây dựng điều kiện kinh doanh thì cố gắng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thứ hai, trong quá trình xây dựng điều kiện kinh doanh phải lưu ý đến các cam kết quốc tế của Việt Nam, bởi cam kết của Việt Nam có sự phân biệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài có thể có khác biệt với các nhà đầu tư trong nước.
 
Thứ ba, nếu tiếp tục duy trì điều kiện kinh doanh thì các điều kiện đó phải đáp ứng tiêu chí Điều 7 Luật Đầu tư 2014.
 
Thứ tư, cắt giảm hợp lý hóa, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải lưu ý đến tính khả thi cũng như nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp (tức không phiêu lưu mà cũng không cắt giảm để lấy tiếng, phải chú ý đến tính khả thi của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đó).
 
Thứ 5, cắt giảm điều kiện kinh doanh gắn với cải cách thủ tục hành chính.
 
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết thêm, Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về cắt giảm điều kiện kinh doanh đã động chạm đến khoảng 16 ngành nghề được quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014. Trong đó, có rất nhiều ngành nghề được xã hội hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua như kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí hóa lỏng, kinh doanh hóa chất, kinh doanh rượu, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh logistic, kinh doanh dịch vụ giám định thương mại...
 
Cho phép sử dụng 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định
 
Trả lời câu hỏi về lộ trình cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Thứ trưởng cho biết, việc ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 20/9 vừa qua thể hiện ý nguyện của ngành Công Thương. Tuy nhiên, để ý nguyện này thành hiện thực, Bộ phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bởi tất cả điều kiện kinh doanh này được quy định trong các Nghị định của Chính phủ ban hành.
 
Theo đó, các điều kiện kinh doanh này đều liên quan đến các nghị định và động chạm đến 16 ngành nghề. Do đó, để cắt giảm, ít nhất bộ phải sửa đổi 16 nghị định. “Đây là việc làm rất lâu và mất thời gian, có thể lên đến hàng năm trời”, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay.
 
Chính vì vậy, vừa qua Bộ Công thương đã có đề xuất sử dụng một Nghị định để sửa đổi cùng lúc Nhiều nghị định, nhằm cho phép ban hành các quy chế mới theo hình thức rút gọn. Nếu thực hiện được việc nay, sẽ rút ngắn thời gian rất lớn trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh hiện nay.
 
“Ngày 20/9 Bộ Công Thương ban hành quyết định, thì ngày 5/10 trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng một Nghị định sửa nhiều Nghị định, cho phép chương trình này được đưa vào chương trình công tác của Chính phủ ngay trong năm 2017 và được thực hiện theo thủ tục ban hành Nghị định rút gọn. Sau một thời gian, ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý với các đề xuất của Bộ Công thương”, lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin.
 
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nay Bộ đã gửi dự thảo sang Bộ Tư pháp thẩm định, ngay sau khi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương tiếp thu ý kiến, giải trình thắc mắc của Bộ Tư pháp và các bên liên quan, dự kiến trình Chính phủ trước ngày 30/11/2017.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc