Nỗ lực vượt qua khó khăn 'phi thường' của các Nhân tài Đất Việt

14:38, 17/11/2017
|
(VnMedia) - Mặc dù không được đào tạo qua bất cứ trường lớp nào, nhưng với mơ ước giúp người nông dân bớt nhọc nhằn, các tác giả đạt giải Khuyến tài của Nhân tài Đất Việt 2017 đã sáng chế ra những chiếc máy nông nghiệp khá hữu ích.
 
Thành công từ những khổ cực của người nông dân
 
Xuất thân từ những người lao động nghèo khó, chân lấm tay bùn, 3 Đề án về những chiếc máy nông nghiệp hỗ trợ người nông dân bớt khó nhọc, giải phóng sức lao động đã vinh dự nhận Giải thưởng trong lĩnh vực Khuyến tài -Tự học thành tài của Nhân tài Đất Việt 2017.
 
Bất ngờ đạt giải thưởng tại Nhân tài Đất Việt, tác giả Nguyễn Văn Tuấn của Đề án “Máy nông nghiệp đa năng” đã không khỏi tự hào và vui sướng khi chia sẻ với phóng viên về những ý tưởng để ra đời sản phẩm hữu ích này.
 
Tác giả Nguyễn Văn Tuấn nói, gia đình xuất phát từ làm ruộng, quanh năm làm bạn với những cánh đồng bao la bên cây ngô và lúa, gia đình khá khó khăn. Từ những khó khăn của bản thân và gia đình, cùng với ước mơ giúp những người làm ruộng bớt khổ cực, tôi đã bắt đầu hình thành nên những chiếc máy nông nghiệp. Tuy nhiên, từ khi hình thành ý tưởng đến lúc vận hành công trên cánh đồng là một hành trình gian nan.
 
Theo Tác giả của đề án Máy nông nghiệp đa năng, các khó khăn khiến anh phải vận lộn nhiều nhất đó là kiến thức hạn hẹp (mới học hết cấp 3), nên những định nghĩa vận hành một chiếc máy hoạt động như thế nào là khá mô hồ. Trong khi đó, tìm tài liệu để tham khảo tại một vùng quê cũng vô cùng hiếm. Chưa hết, khi hình thành ra mô hình hoạt động của sản phẩm, thì lại gặp khó về tài chính.
 
GS. Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group trao 3 giải thưởng Khuyến tài
GS. Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group trao 3 giải thưởng Khuyến tài
 
“Nguồn thu nhập chính của chúng tôi chủ yếu là từ nông nghiệp, nên vốn để thực hiện đề tài hầu như không có. Để biến ước mơ giải phóng sức lao động cho bà con thành hiện thực, tôi phải làm thêm rất nhiều công việc khác nhau nhằm kiếm tiền trang trải cho việc mua thiết bị, sinh hoạt gia đình. Bên cạnh đó, cũng dành thời gian tìm tòi, tận dụng đi xin những vận dụng các gia đình bỏ đi. Sau hành trình 5 năm vận lộn, thì sản phẩm đã ra đời và thành công khi ứng dụng”, Tác giả Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
 
Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 được đồng tổ chức bởi Báo Dân trí cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media là đơn vị bảo trợ thông tin cho Giải thưởng.

Cùng ý nghĩ và ước mơ vượt khó, Tác giả Vũ Văn Dung của Sản phẩm “Máy cày đa năng” cũng cho biết đã vượt qua nhiều trở ngại, từ những kiến thức khá vĩ mô đến tình hình tài chính.

“Xuất phát điểm của bản thân khá thấp bởi không được đào tạo bài bản qua trường lớp, kinh tế gia đình lại không được khá giả như những người khác. Tuy nhiên, với quyết tâm hỗ trợ bà con nông dân bớt đi vất vả sớm hôm, tôi đã quyết tâm sáng chế Máy cày đa năng với tiêu chí dễ sử dụng, chí phí phải chăng”, tác giả Vũ Văn Dung bộc bạch.
 
Theo tác giả Vũ Văn Dung, đến nay, sản phẩm “Máy cày đa năng” đã vận hành khá thành công và nhận được phản hồi khá tốt từ những người nông dân.
 
Có cơ hội sẽ tiếp tục dự thi Nhân tài Đất Việt
 
Là một trong ba sản phẩm nhận được giải Khuyến Tài, tác giả Trần Đại Nghĩa của Đề án "Máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ" cũng có những khó khăn chung là vốn và kiến thức.
 
Theo tác giả Trần Đại Nghĩa, xuất thân từ gia đình thuần nông, nên trong tâm trí luôn khát khao sáng chế ra sản phẩm hữu ích phục vụ bà con nông dân. “Niềm đam mê luôn cháy bỏng, nhưng cũng có lúc muốn từ bỏ do không tìm được hướng đi. Mặc dù ý tưởng đã hiện ra đầu, nhưng việc hiện thực hóa lại không dễ dàng với người nông dân. Có thời điểm khó khăn, tôi phải bán đi chiếc xe là phương tiện đi lại của gia đình để trang trải mua vận dụng. Tuy nhiên, kết quả vẫn là một đáp án mơ hồ”, tác giả Trần Đại Nghĩa chia sẻ.
 
Không lùi bước trước những khó khăn, sau hơn 10 năm trăn trở với niềm đam mê, tác giả Trần Đại Nghĩa đã cho ra Đề án “Máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ”, và hiện đang được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đón nhận.
 
Cũng theo tác giả Trần Đại Nghĩa, mặc dù bước đầu thành công với sản phẩm “Máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ”, nhưng với bà con nông dân vẫn cần nhiều sản phẩm hỗ trợ hữu ích hơn nữa để giải phóng bớt những khó nhọc chân tay. “Sau chương trình này, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển và cho ra đời nhiều sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp hơn nữa. Và nếu có cơ hội chắc chắn vẫn tham dự Nhân tài Đất Việt”,  tác giả Trần Đại Nghĩa nói.
 
Cùng quan điểm, Tác giả Nguyễn Văn Tuấn cũng hào hứng nói: “Với những người dân làm nghề nông, thì việc có một chiếc máy hỗ trợ công việc hàng ngày với chi phí thấp là một điều vô cùng tuyệt vời. Vì vậy, sau cuộc thi tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, cố gắng cho ra đời vài sản phẩm nữa. Đây chắc chắn sẽ là những vận dụng hoàn hảo để đem đi so tài tại Nhân tài Đất Việt trong thời gian tới”.
 
Ba Đề án nhận Giải thưởng trong lĩnh vực Khuyến tài -Tự học thành tài của Nhân tài Đất Việt 2017
 
1. Đề án: "Máy nông nghiệp đa năng, có các chức năng đào cỏ, xới đất, đánh rãnh, tự tra lân, tra ngô lấp đất và vun ngô, bơm nước, phát điện, kéo rơ moóc, phun thuốc trừ sâu cho cây ăn quả" của tác giả: Nguyễn Văn Tuấn- Hội viên hội Khuyến học thôn Pà Nim, xã Cường Lợi, Na Rì, Bắc Kạn.
 
Đây là máy nông nghiệp có các chức năng cào cỏ, xới đất, đánh rãnh, tự tra lân, tra ngô, lấp đấp và vun ngô, bơm nước, phát điện, kéo rơ moóc, phun thuốc trừ sâu cho cây ăn quả. Sản phẩm đã tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian canh tác, phù hợp với mọi địa hình, tăng năng suất lao động. 
 
2. Đề án: "Máy cày đa năng (gồm 4 chức năng liên kết cày, phay, tời và bơm nước) của tác giả: Vũ Văn Dũng- Hội viên hội Khuyến học xóm 2, Phương Tri, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
 
Công trình sáng chế “Máy cày đa năng” của tác giả Vũ Văn Dung (sinh năm 1960, hội viên hội Khuyến học xóm 2, Phương Tri, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình).
 
Đây là máy cày gồm 4 chức năng liên kết cày, phay, tời và bơm nước. Máy được thiết kế dựa trên vật liệu phế thải của xe máy, xe đạp nên giá thành thấp, thuận tiện trong việc di chuyển ở các địa hình khó khăn. Máy góp phần giảm nhiều nhân lực trong lao động và đã được ứng dụng sản xuất, bán trên thị trường 300 chiếc.
 
3. Đề án "Máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ" của tác giả: Trần Đại Nghĩa, Hội viên hội Khuyến học thôn Đông Hoàng- xã Đông Hoàng- Huyện Tiền Hải, Thái Bình.
 
Công trình sáng chế “Máy cấy lúa đa năng không dùng động cơ” của tác giả Trần Đại Nghĩa (sinh năm 1970, hội viên hội Khuyến học thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, Thái Bình).
 
Sáng chế giúp nâng cao công suất cấy lúa (tăng gấp 10 lần so với người cấy bằng tay), máy cùng lúc cấy được 5-6 hàng lúa, mật độ cấy phù hợp với giống và địa hình thổ nhưỡng của từng vùng miền nước ta. Máy dễ dàng vận hành, không sử dụng nhiên liệu nên không gây ô nhiễm môi trường, giúp bà con chủ động cấy, đảm bảo việc cấy mang tính thời vụ. 
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc