"Biến hóa" xuất xứ trái cây để lừa khách hàng sẽ bị xử lý

20:29, 08/11/2017
|

Một số tiểu thương bán trái cây ở một số chợ rao là bán trái cây có xuất xứ từ một số nước như Mỹ, New Zealand, Úc… để đẩy giá cao hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số nơi nhập trái cây Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc để bán. Vậy hành vi gian lận này liệu có bị xử lý?

Có một số thương lái tự nhận là trái cây mình bán được nhập khẩu từ Mỹ, Úc... để nâng giá. Tuy nhiên, chất lượng thật sự rất khó kiểm soát. Ảnh: CHÂU NGUYÊN
Có một số thương lái tự nhận là trái cây mình bán được nhập khẩu từ Mỹ, Úc... để nâng giá. Tuy nhiên, chất lượng thật sự rất khó kiểm soát. Ảnh: CHÂU NGUYÊN

Đổi xuất xứ để nâng giá thành

Nhiều thương lái ở các chợ vì nắm bắt tâm lý của nhiều người tiêu dùng là sợ dùng hàng không rõ nguồn gốc, sợ phải dùng hàng ngâm hóa chất. Chính vì thế nhiều cửa hàng trái cây ở một số chợ tự cho là mình bán hàng có xuất xứ từ một số nước như Mỹ, New Zealand… để tạo tâm lý an toàn cho người bán và cũng một phần đẩy giá trái cây cao hơn so với thông thường.

Tuy nhiên, việc giới thiệu với khách hàng là trái cây được nhập từ Mỹ, New Zealand... có một số trường hợp cũng không hoàn toàn đúng. Có một số trường hợp các thương lái nhập hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc nhập hàng Trung Quốc nhưng lại nói của một nước khác vì tâm lý người tiêu dùng hiện nay rất nhiều người e ngại trái cây của Trung Quốc và một số loại trôi nổi vì sợ việc ngâm hóa chất.

Còn có nhiều trường hợp để tạo lòng tin cho khách hàng, một số thương lái đã tự động in tem hoặc mua tem nhập khẩu để dán vào.

Khi phỏng vấn về việc chọn lựa mua trái cây, chị Lê Thị Phượng, quận Tân Phú, cho biết: “Từ khi các báo, đài đưa những thông tin về việc trái cây ngâm hóa chất để giữ cho trái cây tươi lâu, gia đình tôi rất hoang mang, chính vì vậy tôi hay chọn trái cây nhập khẩu từ một số nước có uy tín như Mỹ, Úc… để dùng, tuy giá thành có hơi cao hơn một số loại trái cây khác nhưng tôi cảm thấy sức khỏe gia đình được đảm bảo. Thông thường giá của trái cây nhập khẩu thì có giá cao hơn so với một số loại trôi nổi trên thị trường vài chục ngàn”.

Cùng vấn đề này, chị Thanh Thương, một người bán trái cây ở quận Tân Bình, cho biết: “Đa số người dân hiện nay họ chuộng trái cây nhập khẩu từ một số nước có tiếng vì họ nghĩ sẽ đảm bảo an toàn. Giá của những loại trái cây này thường cao hơn so với giá của một số loại tại địa phương khoảng vài chục ngàn”.

“Biến hóa” xuất xứ trái cây sẽ bị xử lý

Việc một số tiểu thương đã biết xuất xứ trái cây đó có nguồn gốc không phải từ một số nước mà người dân ưa chuộng mà vẫn nói trái cây có xuất xứ từ một số nước này sẽ bị xử lý theo quy định.

"Để đảm bảo mua đúng trái cây có chất lượng, người tiêu dùng nên mua ở những hệ thống siêu thị lớn, đầu vào đã được kiểm nhận chất lượng. Những loại hàng trôi nổi hoặc hàng xách tay thật sự rất khó kiểm nhận được chất lượng" - TS nông nghiệp Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa... mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Tại Điều 10, luật quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Việc những người bán trái cây nói trên giới thiệu cho khách hàng những loại hàng hóa có xuất xứ không chính xác hoặc dán các loại tem giả... mục đích là lừa dối người mua để bán được hàng và bán với giá cao.

Nếu cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 162 BLHS. Khung hình phạt cao nhất của tội này đến bảy năm tù. Nếu chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 66 Nghị định 185/2013. Các trường hợp trên nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

(theo PLO)


Ý kiến bạn đọc