Bị đe dọa, khủng bố vì không trả tiền nợ đúng hạn

10:27, 18/11/2017
|
(VnMedia) – Do không có khả năng chi trả tiền nợ theo đúng quy định trong hợp đồng, nhiều người người đã bị đe dọa, khủng bố, liên hệ tới đồng nghiệp, người thân của người tiêu dùng để đòi nợ. Một số trường hợp đã phải chuyển nhà, tắt điện thoại để tránh nguy cơ bị đe dọa từ hoạt động thu hồi nợ.
 
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong những năm gần đây, dịch vụ cho vay tiêu dùng để mua sắm tài sản, hàng hóa đã có sự phát triển nhanh chóng, góp phần thay đổi thói quen mua sắm cũng như kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế. Ngoài các loại hình cho vay để mua điện thoại, máy tính, xe máy.., gần đây, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính đã mở rộng danh mục hàng hóa cho phép vay tiền để mua, ví dụ: mỹ phẩm, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp…
 
Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển đột biến, những hệ quả của loại hình dịch vụ này hiện đã xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của một bộ phận người tiêu dùng, đồng thời tạo ra các rào cản, hạn chế sự phát triển bền vững của thị trường tài chính nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung.
 
Người tiêu dùng liên tục bị đe dọa khi chưa có tiền trả nợ
 
Theo dữ liệu tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương, hiện có nhiều phản ánh, tố cáo, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các hành vi của các đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng.
 
Theo đó, quá trình tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, thực hiện nhiều thủ thuật nhằm che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch về nội dung của hợp đồng, bao gồm thông tin về lãi suất, về thời hạn vay, về các mức phạt, phí hủy hợp đồng…
 
Không thực hiện thẩm định thông tin của khách hàng khi chỉ cần ký là được phê duyệt khoản vay. Thậm chí, không cung cấp hợp đồng cho khách hàng nghiên cứu, không cung cấp hợp đồng đã ký để người tiêu dùng lưu giữ và theo dõi.
 
Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, những hành vi nêu trên hiện đang ảnh hưởng tới tài sản, danh dự, sức khỏe, sự an toàn của người vay tiền.
 
Dịch vụ cho vay tiêu dùng để mua sắm tài sản, hàng hóa đã có sự phát triển nhanh chóng. Ảnh minh họa
Dịch vụ cho vay tiêu dùng để mua sắm tài sản, hàng hóa đã có sự phát triển nhanh chóng. Ảnh minh họa
Bằng chứng, khi khách hàng không có khả năng tài chính để trả nợ do kỳ hạn vay thực tế dài hơn so với kỳ hạn khách hàng được thông báo trong quá trình nhân viên tư vấn, dẫn đến, số tiền trả nợ tăng lên nhiều lần hoặc do mức lãi suất thực tế cao hơn nhiều lần so với thông tin người vay tiền được thông báo trong quá trình tư vấn.
 
Đối với các trường hợp hồ sơ gửi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lãi suất thể hiện trên hợp đồng đều từ 3-5%/tháng (trong khi theo nhân viên tư vấn thông báo thì lãi suất chỉ từ 1-2%/tháng) hoặc xuất hiện các khoản phạt mà trước đó người tiêu dùng không được thông báo, dẫn tới phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng tới chỉ số xếp hạng tín dụng của người tiêu dùng.
 
Đặc biệt, khi không có khả năng chi trả theo đúng quy định trong hợp đồng, người vay tiền liên tục bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ. Nhiều trường hợp đòi nợ có dấu hiệu đe dọa, khủng bố, liên hệ tới đồng nghiệp, người thân của người vay tiền để đòi nợ.
 
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, một số trường hợp người tiêu dùng đã phải chuyển nhà, tắt điện thoại để tránh nguy cơ bị đe dọa từ hoạt động thu hồi nợ. Một số trường hợp khách hàng, mặc dù đã nhiều lần liên hệ tới đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính để đề nghị giải pháp cơ cấu lại khoản nợ nhưng vẫn liên tục bị gọi điện đe dọa thu hồi nợ, không được tạo điều kiện để hai bên thống nhất, giải quyết vụ việc. “Đối với những trường hợp như vậy, khi tâm lý bị đe dọa và ảnh hưởng, người tiêu dùng hoặc có tâm lý buông bỏ, không trả nợ hoặc chấp nhận theo đuổi vụ việc kiện ra tòa để giải quyết vụ việc”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.
 
Cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng vay tiền mua sắm tài sản
 
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, trên thực tế tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng cho thấy, một số đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính không có thiện chí phối hợp giải quyết; tạo ra các lý do kéo dài thời gian cung cấp thông tin hoặc không có biện pháp hiệu quả nhằm tiếp nhận và xử lý các vụ việc khiếu nại.
 
Ngoài ra, phần lớn các nội dung khiếu nại đều phát sinh từ quá trình tư vấn, nói chuyện trực tiếp giữa người tiêu dùng và nhân viên nên khi xảy ra tranh chấp, các bên không có cơ sở để chứng minh, gây khó khăn cho quá trình làm rõ nội dung thông tin.
 
Vì vậy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, nhằm tránh phát sinh các tranh chấp nói trên, hạn chế ảnh hưởng tới tài chính, tài sản và danh dự, sức khỏe, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng vay tiền mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ. Chỉ ký các tài liệu khi đã nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung và đảm bảo chắc chắn các thông tin đó được thể hiện chính xác trên tài liệu được yêu cầu ký.
 
Bên cạnh đó, yêu cầu cung cấp hợp đồng, tài liệu giao dịch có đầy đủ chữ ký, con dấu của đơn vị cung cấp dịch vụ để lưu giữ, đối chiếu và thực hiện đúng theo nội dung trong hợp đồng.
 
Ngoài ra, khi có tranh chấp phát sinh, ngoài việc phản ánh qua điện thoại tới bộ phận có liên quan của đơn vị cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng nên kết hợp gửi email hoặc gửi thư để đảm bảo lưu vết thông tin, tránh trường hợp các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra lý do không tiếp nhận được khiếu nại của người tiêu dùng nên không có cơ sở giải quyết.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc