Nhiều doanh nghiệp 'khủng' sắp xuất hiện trên sàn chứng khoán

06:47, 12/10/2017
|
(VnMedia) -  Trong quý 4, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn thực hiện hoạt động IPO như Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Idico), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM)... Đây được xem là yếu tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư.
 
Nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn dự kiến IPO
 
Theo Báo các chiến lược quý 3/2017 của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong quý 4, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn thực hiện hoạt động IPO như BSR, PV Oil, PV Power, Idico, VEAM...
 
BVSC cho biết, trong quá khứ, đã có khá nhiều doanh nghiệp sau IPO tăng giá mạnh như PLX, VPB…, vì vậy những đợt IPO tới đây dự kiến sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư, qua đó một phần dòng vốn trên thị trường niêm yết sẽ bị rút ra để tham gia các đợt IPO mới này, ảnh hưởng đến nguồn tiền trên thị trường chứng khoán.
 
Bên cạnh đó, theo Thông tư số 115/2016/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26-12-2011 của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp sau IPO sẽ tự động lên sàn niêm yết UPCoM sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá. Như vậy, nhiều khả năng ngay trong quý IV này, thị trường niêm yết sẽ đón nhận nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn sau IPO.
 
“Với diễn biến lịch sử cho thấy các doanh nghiệp vốn hóa lớn mới lên sàn thường có biến động mạnh về giá, diễn biến thị trường trong các tháng cuối năm sẽ trở nên khó đoán định hơn khi mà diễn biến chỉ số chịu ảnh hưởng mạnh bởi biến động ở nhóm cổ phiếu này”, BVSC nhận định.
 
Dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn thực hiện hoạt động IPO trong quý 4
Dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn thực hiện hoạt động IPO trong quý 4
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, BVSC cũng cho hay, sau sự kiện VIB, VPB, KLB lên sàn từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư đang chờ đợi thêm nhiều ngân hàng nữa sẽ được niêm yết trong tương lai gần. Ngay đầu tháng 10, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sau nhiều lần trì hoãn kế hoạch lên sàn, đã lên giao dịch trên UPCoM.
 
Trong khi đó, trên thị trường OTC, cổ phiếu các ngân hàng có kế hoạch lên sàn từ nay đến cuối năm đã được săn đón với mức giá khá cao, có thể kể đến trường hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) đã có giao dịch trên thị trường OTC với giá dao động từ 37.000-39.000 đồng/cổ phần, tăng gần 3 lần so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, còn nhiều cổ phiếu của các ngân hàng khác đã có kế hoạch lên sàn nhưng chưa có thời gian cụ thể và đang được giao dịch xung quanh mệnh giá.
 
BVSC kỳ vòng diễn biến lên sàn của LienVietPostBank và Techcombank trong quý IV sẽ có các tác động nhất định đến cổ phiếu ngành ngân hàng, mặc dù mức độ tác động sẽ không quá lớn do đã được phản ánh trước đó trên sàn OTC.
 
Thị trường chứng khoán sẽ có chuyển biến tích cực
 
Cũng liên quan đến thị trường chứng khoán, BVSC cũng cho rằng, với triển vọng thị trường 3 tháng cuối năm, BVSC vẫn thể hiện sự tin tưởng vào định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước cùng với những chuyển biến tích cực về mặt vĩ mô.
 
Cụ thể, P/E của chỉ số Vn-Index hiện vẫn chỉ ở mức quanh 16 lần, thấp hơn tương đối so với các nước trong khu vực như Thái Lan (17,1), Indonesia (22,9) và Philippine (22,7)… Trong bối cảnh tiềm năng tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện đang được đánh giá ở mức cao, cùng với chu kỳ hồi phục của nền kinh tế, mức P/E trên vẫn được xem là có sức cạnh tranh tương đối trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
 
Mặc dù vậy, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh từ đầu năm, dòng tiền đang ngày càng mang tính chọn lọc cao hơn và diễn biến phân hóa cũng ngày một sâu sắc hơn. Thị trường nhiều khả năng sẽ trải qua các nhịp giằng co tăng/giảm đan xen với xu hướng đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ của các chỉ số trong quý IV.
 
Theo BVSC, yếu tố kết quả kinh doanh quý III mặc dù vẫn có vai trò ảnh hưởng nhất định nhưng sẽ khó có thể tạo ra tác động mang tính đột biến như mùa kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm, do đã được phản ánh phần nào trong nhịp tăng điểm kéo dài vừa qua. Dòng tiền sẽ đi tìm kiếm các câu chuyện mới hoặc tạm thời dừng lại chờ đợi giải ngân ở các vùng giá thấp đối với những câu chuyện cũ nhưng được cập nhật lại và nhìn xa hơn vào triển vọng sang năm 2018.
 
Riêng về các nhóm cổ phiếu tiềm năng, BVSC dự báo sẽ có nhóm cổ phiếu dầu khí (nếu kịch bản giá dầu WTI vượt 55 USD/thùng xảy ra), ngân hàng (tiếp tục câu chuyện xử lý nợ xấu và chu kỳ hồi phục của KQKD), dược phẩm (triển vọng trung hạn khả quan trong khi đã và đang trải qua nhịp điều chỉnh), công nghệ thông tin (triển vọng tích cực trong trung hạn), bất động sản (điểm rơi lợi nhuận thường vào quý cuối năm, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa cao giữa các doanh nghiệp).
 
Trong khi đó, thống kê về thị trường chứng khoán trong quý 3, BVSC nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng điểm, tuy nhiên giá trị và khối lượng có sự sụt giảm so với quý 2.
 
Diễn biến thị trường trong quý 3 có thể chia làm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn một kéo dài từ đầu quý cho đến trung tuần tháng 8, chỉ số Vnindex biến động trồi sụt với các nhịp tăng/giảm đan xen. Áp lực chốt lời tăng dần sau nhịp tăng điểm kéo dài trong 2 quý đầu năm là nguyên nhân chính của đợt điều chỉnh giằng co này. Giai đoạn 2 là phần còn lại của quý, chỉ số Vnindex quay lại xu hướng tăng điểm và bứt phá lên vùng đỉnh mới trên 800 điểm nhờ sự hỗ trợ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB, VIC, MSN, GAS… trước khi đi ngang trong nửa cuối tháng 9.
 
Tính riêng cho cả quý, chỉ số Vn-Index và HNX-Index tăng lần lượt 3,6% và 8,6% về điểm số; trong khi giảm/tăng lần lượt giảm 11,2% và tăng 1,9% về giá trị giao dịch.
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc