Năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện và tăng hạng đáng kể

07:15, 08/10/2017
|
(VnMedia) - Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn ba năm triển khai Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có sự cải thiện và tăng hạng đáng kể.
 
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5
 
Theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí 91 lên vị trí 82), là mức tăng bậc nhiều nhất kể từ năm 2008.
 
Đà tăng này cũng được ghi nhận tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 (GII 2017), vừa được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố tháng 6 vừa qua. Theo đó, Việt Nam ở vị trí 47/127 nền kinh tế, tăng 12 bậc so với vị trí thứ 59 của năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay.
 
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn kinh tế Thế giới công bố ngày 27/9/2017 cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế).
 
Kết quả cải thiện tích cực này có được bởi 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm và 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc. Trong đó, chỉ số Mức độ sẵn sàng về công nghệ có mức tăng điểm và tăng bậc nhiều nhất (13 bậc, từ vị trí 92 lên vị trí 79), tiếp đến là chỉ số Phát triển thị trường tài chính (tăng 7 bậc).
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều trụ cột chưa được cải thiện hoặc mức độ cải thiện chưa bền vững. Cụ thể là, trụ cột thể chế (tăng 3 bậc), Hiệu quả thị trường lao động (tăng 6 bậc), nhưng không tăng điểm, trình độ phát triển kinh doanh tuy có mức tăng điểm nhẹ (0,1 điểm), nhưng thứ hạng giảm 4 bậc (từ vị trí 96 xuống vị trí 100). 
 
Ngoài ra, vẫn còn 4/12 chỉ số trụ cột giảm bậc, trong đó giảm nhiều nhất là Hiệu quả thị trường hàng hoá (giảm điểm và giảm 10 bậc).
 
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu Điều kiện kinh doanh
 
Theo nghiên cứu Điều kiện kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng của các quy định về điều kiện kinh doanh còn thấp, thiên về quản lý kiểm soát các yếu tố đầu vào hơn là chất lượng sản phẩm đầu ra, thiếu hệ thống quản lý theo phương pháp đánh giá rủi ro.
 
Hệ thống kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh chưa hiệu quả. Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về cải cách giấy phép, điều kiện kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, hoạt động rà soát và nâng cao chất lượng quy định điều kiện kinh doanh chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Điều này tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cắt giảm khoảng 3000 điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không hiệu quả. Đồng thời kiến nghị thay đổi cách thức quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên các nguyên tắc và thông lệ tốt của các nước OECD.
 
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương là một trong số ít Bộ đã chủ động thực hiện rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
 
Theo đó, ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3610A/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.
 
Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh dự kiến cắt giảm trong tổng số 1216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (cắt giảm khoảng 55%).
 
Hiện nay, Bộ Công Thương có số lượng điều kiện kinh doanh lớn nhất, do vậy việc cắt giảm 55% số lượng điều kiện kinh doanh sẽ giảm gánh nặng đáng kể về chi phí, rủi ro và tạo cơ hội kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thực hiện chuyển 420 mã HS trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan.
 
Về phía địa phương, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Giang... là những địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp để thực thi Nghị quyết. Báo cáo có chất lượng, bám sát các yêu cầu và nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết. Nhiều địa phương tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp và kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Một số địa phương thực hiện hiệu quả đường dây nóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phản ánh và được giải đáp, xử lý các vướng mắc. 
 
Minh Ngọc

Ý kiến bạn đọc