Dân Hà Nội tò mò tìm mua nho rừng Tây Bắc

13:29, 01/10/2017
|

Những trái nho rừng chín đen, mọng nước nhưng nhìn xấu mã, cành lá xác xơ, khi ăn có vị chua đậm nên không thể dùng trực tiếp, mà phải để ngâm rượu hoặc siro. Ấy vậy mà giá thành của chúng không hề rẻ, dao động từ 60.000-120.000 đồng/kg, ngang ngửa so với những loại nho đắt tiền trên thị trường. 

Những trái nho chín đen vẫn chua lèm được gán đủ lời quảng cao hoa mĩMỗi năm cứ vào mùa thu, núi rừng Tây Bắc lại có thêm một đặc sản mới, đó là nho rừng. Những trái nho chỉ to bằng đầu ngón tay, khi chín có màu đen, nhìn mọng nước. Thế nhưng vì mọc ở bìa rừng, không có ai chăm bón nên cành lá chúng thường xác xơ. Chùm nho không dày quả như giống nho Ninh Thuận chúng ta vẫn quen thấy. Nó rời rạc, thưa quả hơn. Ở những cây lâu năm, cằn cỗi, quả càng xấu.

Mới đầu vụ, nho có màu xanh hoặc hơi phớt tím. Khi đến cuối mùa, vào khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10, những trái nho bắt đầu đen lại, chín mọng và đẹp hơn. Đây cũng là lúc nho rừng ngon nhất, thích hợp cho việc ngâm rượu hoặc ngâm siro. Lúc này, người Tây Bắc bắt đầu đi hái nho đem bán.

Nho rừng mọc nhiều ở vùng Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên… Loại trái cây này có vị chua đậm, quả càng xanh, vị càng chua. Cho đến khi chín đen, trái nhỏ cũng chỉ hơi có vị ngọt nhẹ. Vì thế, nó không được dùng để ăn trực tiếp mà chủ yếu để ngâm rượu hoặc ssiro.

Cao Bằng có lẽ là nơi nho rừng được sử dụng phổ biến nhất. Cũng từ đây, nho được vận chuyển về Hà Nội và các tỉnh khác. Vì trải qua quãng đường xa, bị hao hụt do vận chuyển nên giá nho khá đắt, dao động từ 60.000 đến 120.000 đồng/kg tùy theo hình thức mua sỉ/ lẻ.

Theo lời người bán, siro nho rừng rất thơm, ngon, có tác dụng giải nhiệt. Rượu nho rừng khi ngâm sẽ có vị chua dịu, ngọt thanh, uống gần giống như vang. Tùy theo nồng độ rượu khi ngâm, nếu tăng tỉ lệ nho, giảm lượng rượu xuống, người ta sẽ thu được loại nước uống có độ cồn nhẹ, những người không biết uống rượu cũng khó có thể say nếu nếm thử một ly “rượu vang” thơm ngon từ nho rừng Tây Bắc.

Bên cạnh đó, rượu nho rừng còn được quảng cáo là có tác dụng ngăn ngừa quá trình lão hóa, giảm cân, làm mờ vết thâm nám, làm đẹp da, phòng ngừa một số bệnh ung thư. Người bán cũng cho rằng, vì mọc ở bìa rừng nên sản phẩm này hoàn toàn an toàn, không chứa hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Một sản phẩm khai thác trực tiếp từ tự nhiên, không trải qua quá trình bảo quản lại được quảng cáo là thơm, ngon, có nhiều lợi ích cho sức khỏe đã khiến nhiều người Hà Nội không khỏi háo hức, tò mò muốn nếm thử. Dù chưa biết lời quảng cáo thực hư ra sao nhưng chính sự háo hức này đã đẩy giá nho lên khá cao. Nếu như năm trước, giá nho đắt nhất cũng chỉ tăng đến mức 80.000 đồng/kg thì năm nay, mức giá ở nhiều địa chỉ bán hàng online đã “vọt” lên gấp đôi.

Theo lời người bán, vì việc khai thác, vận chuyển gặp khó khăn nên số lượng nho rừng bao giờ cũng chỉ có hạn. Thế nên, nho dù đắt, dù chua nhưng đôi khi vì khan hiếm, khách mua phải đặt trước cả tuần mới có hàng.

Theo chị Hà, một người bán nho rừng, mỗi một vụ nho, chị thường bán hết nửa tấn. “Nho rừng thường dùng để ngâm rượu, siro nên khách mua ít cũng phải đặt 5kg thì mình mới ship hàng được và cũng phải với ngần ấy, khách mới có đủ nho để ngâm dùng”.

Trong khi đó, chị Hạnh (một người bán lẻ nho rừng khác) lại chia sẻ, càng về cuối vụ, nho càng ngon nên số lượng khách mua cũng tăng cao. Vì việc vận chuyển xa xôi, gặp nhiều khó khăn nên mỗi đợt nho về đến Hà Nội chỉ khoảng 1-2 tạ.

“Ngoài bán nho tươi, nhà mình cũng bán cả nho đã chế biến, ngâm đường hoặc siro nên số lượng tiêu thụ càng mạnh”, chị Hạnh nói. Ngoài phục vụ khách ở Hà Nội, chị Hà còn có nhiều đơn hàng đi các tỉnh xa. Đối với khách lẻ ở xa, chị thường phải chế biến sẵn nho, tránh quá trình di chuyển gây dập nát, hao hụt.

Ngoài bán nho tươi, nhiều người kinh doanh online cũng ngâm sẵn rượu nho rừng phục vụ thực khách có nhu cầu.

Loại quả lạ khiến nhiều chị em Hà thành thích thú. Theo lời chị Hồng (nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy), nếu người nào có sở thích ăn đồ chua thì vẫn có thể “xơi tái” những trái nho này. “Chúng thực sự thơm, ngon, chua dịu không kém gì nho đắt tiền”.

Trong khi đó, anh Mạnh (Tây Hồ, Hà Nội) lại khẳng định “rượu vang” nho rừng rất thơm ngon, đáng đồng tiền, bát gạo. “Mình mua rượu nho do người bán ngâm sẵn, khi uống thấy thơm, nồng độ cồn trong rượu hình như cũng giảm xuống nên thấy dễ chịu. Không chỉ mình mà bà xã và các con cũng đều rất thích uống rượu nho Tây Bắc”.

Theo Tạp chí Saostar


Ý kiến bạn đọc