Mặt bằng giá hàng hóa sẽ không tăng nhiều

15:14, 08/08/2017
|
(VnMedia) – Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa tiếp tục chịu ảnh hưởng của mưa bão gây tăng giá cục bộ. Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa vẫn được duy trì tốt cùng với công tác điều hành giá được phối hợp chặt chẽ nên mặt bằng giá hàng hóa sẽ không tăng nhiều.
 
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã tăng 0,11% so với tháng trước. Trong đó, có 4 nhóm có chỉ số giảm gồm lương thực (0,08%, do nguồn cung lúa gạo tăng từ vụ Hè Thu), giao thông (1,52%, do giá xăng dầu giảm đầu tháng 7), bưu chính viễn thông (0,06%), văn hóa giải trí du lịch (0,03%, do các đợt khuyến mại, kích cầu); các nhóm khác tăng từ 0,01-0,87% do tác động của giá thực phẩm tăng (thịt lợn, rau xanh), điều chỉnh phí dịch vụ y tế ở một số bệnh viện tư, giá vật liệu xây dựng (cát) tăng.
 
CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2017 tăng 3,91% so với cùng kỳ năm trước (đã giảm thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 4%).
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong đó, các nhóm chính tạo nên mức tăng này là y tế, giáo dục, giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng từ 3,98-47,74% do việc điều chỉnh tăng phí các dịch vụ hàng hóa do nhà nước quản lý); các nhóm giúp kiềm chế mức tăng chung là thực phẩm (giảm 2,16% do tác động của giá thịt lợn, gà, trứng gia cầm), bưu chính viễn thông (giảm 0,66% do có nhiều chương trình khuyến mại); các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,93-2,03%.
 
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa tiếp tục chịu ảnh hưởng của mưa bão gây tăng giá cục bộ, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng, giá một số mặt hàng thực phẩm sau thời gian giảm sâu đã tăng trở lại.
 
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, do nguồn cung hàng hóa vẫn được duy trì tốt cùng với công tác điều hành giá được phối hợp chặt chẽ, nên mặt bằng giá hàng hóa sẽ không tăng nhiều.
 
Đưa ra các kiến nghị về giải pháp ổn định giá cả thị trường trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các Bộ, ngành và địa phương cần tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khoẻ nhân dân.
 
Cùng với đó, thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý kịp thời, đặc biệt tại các điểm nóng, vùng giáp biên, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, hàng giả. Gia tăng các chế tài xử phạt đối với các hành vi gian lận thương mại đặc biệt là các lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc