Đề xuất tăng thuế VAT lên 12% để phù hợp với xu hướng quốc tế

11:35, 16/08/2017
|
(VnMedia) - Theo Bộ Tài chính, để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2016 - 2020, cũng như phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách quốc tế, Bộ đã đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% từ 1/1/2019.
 
Tăng thuế VAT từ 10% lên 12% từ năm 2019
 
Tại Báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế  thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đã đều xuất các phương án về điều chỉnh thuế suất thuế GTGT.
 
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành phát sinh nhiều vướng mắc nhiều đối tượng không chịu thuế như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, quyền sử dụng đất gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế.
 
Theo đó, một số hàng hóa dịch vụ như nước sạch; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim… đã được xã hội hóa mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% chưa bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu thuế VAT với mức thuế suất 10%.
 
Đối với sách các loại, trừ sách thuộc diện không chịu thuế quy định tại khoản 15 Điều 5 Luật thuế GTGT) áp dụng thuế suất 5%. Trong khi đó, hoạt động in, kể cả in sách, áp dụng thuế suất 10%. Thực tế phát sinh nhiều trường hợp không thể phân biệt được thế nào là sách chịu thuế 5%, thế nào là ấn phẩm in hay hoạt động in chịu thuế 10%.
 
Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Ảnh minh họa
Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019. Ảnh minh họa
Trong khi đó, theo Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020 thì thuế GTGT được: “Sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu”.
 
Vì vậy, để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2016 – 2020, cũng như phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế GTGT quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức thuế suất thuế VAT theo 2 phương án. 
 
Phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019.
 
Phương án 2, Bộ đề nghị tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.
 
Bộ Tài chính cho hay, mục tiêu cần đạt được trong đề xuất tăng thuế GTGT là bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững trong quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Đồng thời, giảm bớt số lượng hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế GTGT ở mức thuế suất 5% thuộc các lĩnh vực đã được xã hội hóa mạnh mẽ, để bình đẳng với ngành nghề, lĩnh vực thông thường khác.
 
“Việc đề xuất tăng thuế VTA nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế”, Bộ Tài chính cho hay.
 
Các nước nợ công cao thường tăng thuế gián thu
 
Thông tin Bộ Tài chính cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
 
Cụ thể, để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (TNDN và TNCN), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (tức thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt).
 
Theo Bộ Tài chính, số lượng quốc gia áp dụng thuế VAT/thuế hàng hoá và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 tăng lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.
 
Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế VAT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách, thì xu thế tăng thuế suất VAT diễn ra phổ biến.
 
Bằng chứng, từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 mức thuế suất trung bình xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất thuế VAT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016.
 
“Các nước châu Á cũng có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế VAT như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản….”, báo cáo của Bộ Tài chính nêu.
 
Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12-25%, trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17-25%, còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%, Philippines có mức thuế suất 15%.
 
Yến Nhi
 

Ý kiến bạn đọc