Vùng TP.HCM phải trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước

06:29, 26/07/2017
|

(VnMedia) - Theo Đồ án Quy hoạch điều chỉnh, vùng TP.HCM có phạm vi ranh giới trùng với vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm 8 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Như đã đưa tin, vào chiều ngày 25/7, tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì Hội nghị về điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo các địa phương trong vùng như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đều nhất trí cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch phải nhằm tạo cơ sở để phát triển vùng TP.HCM trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đều nhất trí cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch phải nhằm tạo cơ sở để phát triển vùng TP.HCM trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước - Ảnh: Vĩnh Khánh

Theo Đồ án Quy hoạch điều chỉnh, vùng TP.HCM có phạm vi ranh giới trùng với vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm 8 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Quy hoạch vùng TP.HCM trước đó được phê duyệt năm 2008. Đến năm 2014, để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng phù hợp với xu thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM. Khi đó, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn trong nước là Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam phối hợp với Công ty Tư vấn INSAR (CHLB Đức) triển khai lập.

Sau hơn 2 năm nghiên cứu, đồ án đã được Bộ Xây dựng tổ chức hội đồng thẩm định, có sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương trong vùng, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia phản biện quốc tế và trong nước. Đồ án đã được tiếp thu, giải trình các ý kiến và hoàn chỉnh.

Theo Quy hoạch điều chỉnh, vùng TP.HCM được phân làm 4 tiểu vùng và các trục hành lang kinh tế trọng điểm với những định hướng phát triển không gian phù hợp với các yếu tố đặc thù của điều kiện tự nhiên; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trình độ phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Trong đó, tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm TP.HCM và vùng phụ cận với các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), trong đó TPHCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng; TP.Bình Dương là đô thị động lực phía bắc, TP.Biên Hòa-Long Thành-Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía đông. Đô thị Củ Chi-Hậu Nghĩa-Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía tây bắc. Bến Lức-Cần Giuộc-Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía tây nam.

Ba tiểu cùng còn lại là Khu vực phía nam tỉnh Bình Dương (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành) phát triển đô thị-công nghiệp-dịch vụ-tài chính gắn với các trung tâm đầu mối đa phương tiện, tạo động lực phát triển cho khu vực phía bắc của tiểu vùng đô thị trung tâm; Khu vực phía tây tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành) phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao; và Khu vực phía đông tỉnh Long An (Đức Hòa-Bến Lức-Cần Giuộc) phát triển đô thị sinh thái, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò bảo vệ cảnh quan sinh thái và thoát lũ cho tiểu vùng đô thị trung tâm, tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến nông sản; nông nghiệp công nghệ cao gắn với trung tâm giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ, trung chuyển hàng hóa nhằm giảm tải cho TP.HCM.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh sự ưu tiên của nhiệm vụ phát triển hạ tầng như đường vành đai 3, sân bay Long Thành, tính kết nối của các hệ thống cảng biển trong vùng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và cơ hội của vùng phát triển phía đông, khai thác lợi thế, tiềm năng khu vực ven biển phát triển các đô thị du lịch; vùng phát triển phía bắc gắn với trục hành lang Quốc lộ 51 và Quốc lộ 22 bởi lẽ đây cũng là các cửa ngõ quan trọng về cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu để giao lưu, hội nhập quốc tế.

Còn theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, để quy hoạch hoàn thiện hơn, TP.HCM đề xuất, cùng với quy hoạch, Chính phủ cần quan tâm đến cơ chế phối hợp, quy hoạch kinh tế xã hội phải đặt trong tổng thể quy hoạch vùng và phải có cơ quan điều phối quy hoạch vùng, các bộ ngành Trung ương phải hỗ trợ về hành lang pháp lý để thực hiện quy hoạch và có cơ chế phân bổ tài chính, nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giao vốn trung hạn cho các dự án, đặc biệt là các dự án kết nối vùng, liên vùng.

Theo chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc