Sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn chậm

11:21, 08/07/2017
|
(VnMedia) – Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, có 19 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với giá trị được phê duyệt 31,3 nghìn tỷ đồng. Hiện tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn còn chậm. 
 
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước.
 
Đồng thời, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình đã đề ra. Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn còn chậm.
 
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thông tin Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, có 19 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với giá trị được phê duyệt 31,3 nghìn tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, SCIC đã thoái vốn 2,1 nghìn tỷ đồng, thu về 2,7 nghìn tỷ đồng.
 
Liên quan đến việc tái cấu trúc thị trường tài chính, Bộ Tài chính cho biết, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án kế hoạch tái cấu trúc thị trường chứng khoán, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng;
 
Cùng với đó, trình Thủ tướng Chính phủ đề án hợp nhất 2 Sở giao dịch chứng khoán; ban hành các văn bản hướng dẫn sửa đổi các điều kiện niêm yết chứng khoán của công ty hợp nhất, quản lý giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động.
 
Tính đến hết tháng 6/2017, quy mô thị trường chứng khoán tăng khoảng 29% so với cuối năm 2016 và đạt tỷ lệ 55,8% GDP. Hoạt động thị trường ổn định; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, xử lý kịp thời các vi phạm.
 
Riêng đối với thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính đang tích cực chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các Nghị định về sửa đổi chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, xổ số; các Nghị định quy định về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô...
 
Ước 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2016; đầu tư trở lại nền kinh tế gần 218 nghìn tỷ đồng, chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 13 nghìn tỷ đồng và cơ bản các doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo được khả năng thanh toán theo chế độ quy định.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc