Dòng vốn FDI vào Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh

15:34, 06/07/2017
|

(VnMedia) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những tháng tới, dòng vốn FDI được dự báo sẽ đạt nhiều kết quả tích cực, nhờ các yếu tố thuận lợi của nền kinh tế như môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết…

Việt Nam tăng 12 bậc về đổi mới sáng tạo toàn cầu

Tại Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 01/NĐ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, kinh tế thế giới tăng trưởng đã tích cực hơn và yếu tố khó lường có dấu hiệu giảm xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế trong nước.

Đáng chú ý, các tổ chức kinh tế thế giới cùng chung quan điểm tương đối lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới năm 2017, trong đó, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng 3,5% so với năm 2016, cao hơn mức đã dự báo hồi tháng 3 năm 2017 là 3,3%.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu khởi sắc hơn so với tốc độ tăng được dự báo khoảng 4% trong năm 2017, do triển vọng tăng trưởng lạc quan của kinh tế thế giới và giá một số hàng hóa cơ bản, nguyên liệu phục hồi.

Theo báo cáo cảu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế thế giới mặc dù tăng trưởng tích cực hơn nhưng cơ bản vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm, chưa thực sự vững chắc, rủi ro tài chính toàn cầu, làm thay đổi cơ cấu dòng vốn đầu tư quốc tế, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nhiều tổ chức quốc tế cơ bản đánh giá lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Trong tháng 6, Việt Nam được xếp hạng 47/127 quốc gia/nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 12 bậc.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội trong nước 6 tháng cuối năm đang có triển vọng tăng trưởng tích cực. Theo đó, tăng trưởng tiêu dùng cũng được dự báo tương đối lạc quan cho những tháng cuối năm do tác động của chính sách khuyến khích đầu tư và sản xuất. Chu kỳ đẩy mạnh tiêu dùng vào cuối năm, sức mua dự kiến được cải thiện nhờ việc tăng lương cơ bản…

Đặc biệt, dòng vốn FDI được dự báo sẽ đạt nhiều kết quả tích cực nhờ các yếu tố thuận lợi của nền kinh tế như, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết chuẩn bị có hiệu lực, sự đánh giá tích cực của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng đầu tư tại Việt Nam.

Mặc dù khu vực công nghiệp và xây dựng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng dự báo sẽ đat mức tăng trưởng khá. Khu vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với cùng kỳ, khi tiêu dùng có xu hướng cải thiện tốt hơn và triển vọng phát triển tốt hơn của ngành du lịch.

Khu vực nông, lâm, thủy sản sẽ tiếp tục phục hồi khi các biện pháp giải quyết thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm nông, lâm thủy sản có hiệu quả.

Cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam dự kiến có thể gặp khó khăn do tác động từ các yếu tố bên ngoài như bất ổn địa chính trị thế giới, xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch có thể tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam…

Trên cơ sở kết quả thực hiện quý 2 và 6 tháng đầu năm 2016, thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ của các tháng cuối năm vẫn hết sức nặng nề và khó khăn, đòi hỏi các cấp, các ngành cần duy trì những nỗ lực và cố gắng nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng GDP của quý 2 cần phải đạt là khoảng 7,23%, tính chung 9 tháng là khoảng 6,29%.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong 6 tháng cuối năm cần thực hiện nhóm giải pháp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và trong nước, kịp thời đề xuất giải pháp điều hành, ứng phó với diễn biến mới của tình hình thế giới và trong nước.

Cùng với đó, điều hành chính sách tài chính tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Nghiên cứu các kịch bản điều chỉnh hợp lý lãi suất tiền gửi USD, nhằm mục tiêu hạn chế nguy cơ dòng tiền ngoại tệ chảy ra khỏi nền kinh tế, cũng như phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, xây dựng các văn bản hướng dẫn và kế hoạch cụ thể triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Cải cách thể chế gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực.

Thực hiện hiệu quả các đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng, khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động…

Yến Nhi


Ý kiến bạn đọc