Doanh nghiệp Nhật đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam

07:15, 23/06/2017
|
(VnMedia) – Theo ông Hiroshi Karashima – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, hiện một số công ty sản xuất của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Nhật Bản sang Việt Nam và các nước thứ ba.
 
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là rất quan trọng
 
Đại diện cho hơn 1.600 thành viên của các công ty Nhật Bản, đang hoạt động tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 vừa diễn ra, ông Hiroshi Karashima – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành công nghiệp hỗ trợ.
 
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các chính sách của Việt Nam rằng, bên cạnh doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp tư nhân trong nước phải có được vị trí quan trọng, là động lực cho việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau này”, ông Hiroshi Karashima bày tỏ quan điểm.
 
Cũng theo ông Hiroshi Karashima, sự phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ hay ngành công nghiệp hỗ trợ với năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, sẽ góp phần nâng cao sức hút đầu tư vào Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài (đặc biệt là doanh nghiệp chế tạo).
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Từ quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: “Việc hình thành doanh nghiệp vừa và nhỏ - ngành công nghiệp hỗ trợ là một chính sách rất quan trọng. Chúng tôi hiểu và đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch cải thiện vấn đề này thông qua thảo luận về “Luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ” tại Quốc hội”.
 
Tuy vậy, theo ông Hiroshi Karashima, việc hình thành doanh nghiệp vừa và nhỏ - công nghiệp phụ trợ đặt ra yêu cầu những người lãnh đạo phải liên tục thực hiện các chính sách đa diện về con người, kỹ thuật, tài chính thông tin… Ngoài ra, trong chuỗi biện pháp hình thành ngành công nghiệp chủ chốt gánh vác trọng trách cho thời đại mới, thì việc tiếp cận coi trọng vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ - công nghiệp phụ trợ hay việc tiếp cận mang tính dự án thí điểm là rất quan trọng.
 
Ông Hiroshi Karashima cũng cho rằng, để hình thành công nghiệp hỗ trợ và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật ưu tú như về sản xuất kim loại mà Nhật Bản đang có sang cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, tiến hành đào tạo kỹ sư người Việt Nam bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ trụ cột, hay hợp tác doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương là rất quan trọng.
 
Doanh nghiệp Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất
 
Cũng liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, ông Hiroshi Karashima cho rằng, cần phải có những doanh nghiệp vừa và nhỏ thế mạnh của Nhật Bản (như các nhà sản xuất khuôn mẫu), được khuyến khích chuyển giao công nghệ cho Việt Nam bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
 
Theo ông Hiroshi Karashima, hiện một số công ty sản xuất của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Nhật Bản sang Việt Nam và các nước thứ ba. “Nếu các doanh nghiệp này có thể dễ dàng chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, việc di chuyển này sẽ góp phần rất lớn cho sự hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhận định.
 
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện có một rào cản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản khi di chuyển sang Việt Nam đó là các quy định, chính sách về nhập khẩu máy móc và thiết bị đã qua sử dụng.
 
Về nguyên tắc, Thông tư số 23 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị sử dụng dưới 10 năm, đồng thời cần có địa điểm để nhập khẩu những máy móc, thiết bị hơn 10 năm.
 
Phản hồi về vấn đề liên quan đến Thông tư số 23, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây truyền công nghệ đã qua sử dụng được ban hành vào tháng 11/2015. Thông tư nhằm tránh nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác về công nghệ, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng và mất an toàn. Cùng với đó, là bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, bằng cách giảm thiểu việc sử dụng máy móc đã lỗi thời.
 
Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc duy trì tuổi của thiết bị là cần thiết. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng, khoản 2, điều 6, Thông tư 23 đã quy định cần bổ sung danh mục thiết bị đã qua sử dụng khi lập hồ sơ dự án đầu tư, để cơ quan có thầm quyền hay cơ quan đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư phê duyệt theo Luật đầu tư.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc