Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Hoài bão của tiền nhân là cảm hứng cho doanh nhân"!

09:29, 17/05/2017
|

(VnMedia) - Dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi: “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Pari”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”, Thủ tướng cho rằng, những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển…

Ngày 17/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017. Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi: “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Pari”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong Hội nghị này, Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Thủ tướng đề nghị đại diện các cơ quan nhà nước phát biểu ngắn gọn, dành thời gian cho các đại biểu doanh nghiệp trình bày ý kiến.

Các con số minh chứng cho niềm tin

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo sơ kết tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Báo cáo nêu rõ, việc triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã có tác động tích cực đến số lượng doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư nước ngoài trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017; góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu đề ra của Nghị quyết.

Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay; số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 24,1%. Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 39.580 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 11.545, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính đến 20/4/2017, cả nước có khoảng 612 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động.

Về đầu tư nước ngoài, tính đến 31/12/2016 cả nước có 2.613 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Cả nước có 1.249 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,56 tỷ USD, tăng 36,1% về số dự án và bằng 84,4% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ. Có 5.970 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 4,51 tỷ USD. Tính luỹ kế đến ngày 20/04/2017, cả nước có 23.272 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 302,64 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt 159,63 tỷ USD, bằng 52,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 179,23 tỷ USD, chiếm 59,2% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 52,68 tỷ USD (chiếm 17,4% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 12,92 tỷ USD (chiếm 4,26% tổng vốn đầu tư).

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2017 cả nước có 734 dự án mới được cấp GCNĐKĐT với tổng vốn đăng ký là 4,88 tỷ USD, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016; có 345 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,36 tỷ USD, tăng 241,8 % so với cùng kỳ năm 2016 và 1687 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị góp vốn là 1,35 tỷ USD, tăng 106,8% so với cùng kỳ 2016. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95  tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.

“Các con số nêu trên minh chứng cho niềm tin của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt.” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Còn về đóng góp tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực tư nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.485 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP.

Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015.

Tuy nhiên, tại bài báo cáo của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nêu lên một số hạn chế trong tổ chức triển khai Nghị quyết.

Theo kết quả kiểm tra của Văn phòng Chính phủ tại một số địa phương cho thấy, một số doanh nghiệp còn chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP.

Một số Hiệp hội doanh nghiệp chưa thực hiện tốt vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Việc tổng hợp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tại các hiệp hội chưa kịp thời, chưa phản ánh đúng những khó khăn thực tế của doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước làm hạn chế việc giải quyết các kiến nghị cho doanh nghiệp.

Công tác tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đã được thực hiện ở đa số các địa phương, nhưng còn nặng về hình thức, chưa tổ chức đối thoại theo chuyên đề cụ thể; chỉ bước đầu ghi nhận vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, chưa đi vào thực chất, chưa giải quyết dứt điểm hoặc thỏa đáng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường…) cũng như theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần được chấn chỉnh, quán triệt trong thời gian tới nhằm tránh gây mất niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và thanh tra tỉnh vẫn chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến tần suất các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp vẫn còn cao. Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, chất lượng còn chưa cao. Công tác tham mưu, xây dựng văn bản hướng dẫn để xử lý việc chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra còn chậm, công tác phối hợp giữa các cơ quan nói trên còn chưa đồng bộ, kịp thời.

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương trong triển khai nhiệm vụ Nghị quyết bước đầu đã thực hiện, nhưng còn chưa tốt, nên nhiều giải pháp chưa mang lại tác động tích cực, chưa giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp.

Nguyên nhân được Bộ trưởng chỉ ra là, nhận thức của người đứng đầu một số Bộ ngành, địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng triển khai Nghị quyết 35 chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, dẫn đến việc triển khai Nghị quyết chưa quyết liệt, hiệu quả. Đây là nguyên nhân chính làm cho kết quả thực hiện Nghị quyết còn hạn chế, chưa đi vào cuộc sống.

Thời gian triển khai Nghị quyết 35 trong thời gian ngắn (gần 1 năm), chưa đủ để phát huy tác dụng của các giải pháp đã triển khai trong thực tiễn. Phần lớn các nhiệm vụ giải pháp quan trọng của Nghị quyết đang được triển khai, chủ yếu trong những năm còn lại, từ nay đến năm 2020. Bên cạnh đó, việc chuyển biến từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp còn chậm bởi thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cần có thời gian dài.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành còn chồng chéo, mâu thuẫn ở cấp Luật, Nghị định trong lĩnh vực về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường… dẫn đến khó khăn, kéo dài việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp. Một số địa phương muốn đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục để rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp, nhưng các quy trình thủ tục là do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong công tác đối thoại của chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp còn mờ nhạt, các hiệp hội chưa thể hiện được vai trò đầu mối, đại diện để truyền tải phản ánh, có tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp với các cấp chính quyền.

Sự phối hợp giữa các Bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương trong triển khai nhiệm vụ Nghị quyết bước đầu đã thực hiện, nhưng còn chưa tốt, nên nhiều giải pháp chưa mang lại tác động tích cực, chưa giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tích cực hơn nữa các nhóm giải pháp đã đề ra. Ngoài ra, cần bổ sung thêm một số giải pháp quan trọng để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Mở rộng thị trường và cơ hội đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp;  Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…

Cũng tại hội nghị, từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35. Ông Lộc nói: “Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trong Chính phủ “không có chỗ để bàn lùi”,... “Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng thực sự tiếp sức cho doanh nghiệp”".

Tuy nhiên, theo ông Lộc, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại. Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức.

Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách đột ngột, sự hồi tố trong kinh doanh; nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp; nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp ‘’đến Boeing cũng không thể làm được; tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” còn phổ biến”; nhiều bộ ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.

Cũng trong bài phát biểu của mình, nhắc lại món quà của Thủ tướng đối với doanh nghiệp ngay trước thềm Hội nghị, ông Chủ tịch VCCI đại diện doanh nghiệp Việt Nam cảm ơn Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc