Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu

14:07, 19/05/2017
|
(VnMedia) – Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu trong bản đồ thế giới và sẽ đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới thông qua sức sản xuất, cung cấp dịch vụ và tiêu thụ rất lớn của mình.
 
Nhận định trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra khi trả lời PV về Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23.
 
APEC đã và đang được coi là đầu tàu kinh tế
 
Trả lời câu hỏi về tình hình thương mại trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trải qua 28 năm hình thành và phát triển, APEC đã và đang được coi là đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, vốn bao gồm các nền kinh tế lớn nhất về dân số, giàu mạnh nhất về kinh tế và năng động nhất về sức sản xuất cũng như nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.
 
Theo đó, APEC, với 21 nền kinh tế thành viên, cùng tổng số dân hơn 2,8 tỷ người, chiếm khoảng 59% GDP của thế giới và 49% giao dịch thương mại quốc tế tính đến năm 2016, GDP của APEC đã tăng từ 16 ngàn tỷ USD năm 1989 lên hơn 20 ngàn tỷ trong năm 2016, thành tích này đã giúp nâng mức thu nhập của người dân trong khu vực thêm 74%, và giúp hàng triệu người dân thoát khỏi tình trạng đói nghèo, nâng chất lượng cuộc sống của một bộ phận lớn dân chúng trong khu vực lên mức trung bình chỉ trong thời gian hơn 2 thập kỷ.
 
Về thương mại, Bộ trưởng Công Thương cũng cho hay, mức thuế quan trung bình trong khu vực đã giảm gần một nửa, từ 11% năm 1996 xuống còn 5,5% vào năm 2016. 
 
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
 
“Những kết quả thực tế nói trên là minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất cho nỗ lực của cả khu vực nói chung, cũng như của từng nền kinh tế thành viên nói riêng trong tiến trình thực hiện các hoạt động hợp tác về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đi lại của các doanh nhân và dân chúng trong khu vực, cũng như chia sẻ sự ổn định, phồn vinh và thịnh vượng chung như mong muốn của các Nhà Lãnh đạo APEC trong mọi thời kỳ”, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
 
Theo dự báo mới nhất trong tháng 5 năm 2017 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng ở mức 5,5% so với mức dự báo 5,3% được đưa ra trước đó vào năm 2016 . “Tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, khu vực này vẫn tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu của mình trong bản đồ kinh tế thế giới và sẽ tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới thông qua sức sản xuất, cung cấp dịch vụ và tiêu thụ rất lớn của mình”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
 
Việt Nam quyết tâm nỗ lực cải tổ cơ chế, chính sách
 
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mỗi nền kinh tế thường áp dụng những chính sách phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư khác nhau trong những giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mình. 
 
Về phần mình, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam đã, đang và sẽ giữ nguyên lập trường, quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ trong nỗ lực cải tổ cơ chế, chính sách và tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. 
 
“Thực tế 30 năm đổi mới của Việt Nam cho thấy, chúng tôi đã và đang đạt được nhiều thành tựu tích cực, rõ ràng về kinh tế, xã hội, an ninh và giáo dục do tiến trình hội nhập mang lại. Chúng tôi vẫn sẽ kiên định với quyết tâm hội nhập sâu, rộng và toàn diện của mình, nhằm đóng góp một cách hiệu quả nhất trong quá trình xây dựng cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phát triển, kết nối và thịnh vượng”, Bộ trưởng Công Thương khẳng định.
 
Liên quan đến câu hỏi về những mong muốn tại Hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại sắp tới cũng như quan điểm của Bộ trưởng về sự phát triển thương mại trong khu vực dưới sự tác động của APEC, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, tái đăng cai APEC sau 11 năm, với phương châm phối hợp cùng các nền kinh tế thành viên trong khu vực xây dựng một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, phát triển, kết nối và thịnh vượng, Việt Nam đặt ưu tiên rất cao đối với các kết quả chính cần đạt được của Hội nghị MRT 23. 
 
Vai trò quan trọng của Hội nghị MRT 23 là nhằm rà soát việc triển khai chủ đề và các ưu tiên của năm APEC 2017 và xác định các bước đi tiếp theo cho hợp tác APEC trong thời gian tới, hướng tới Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11 năm nay. “Tôi mong muốn Hội nghị MRT 23 sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong APEC, đề ra một số định hướng hiệu quả để triển khai mục tiêu chung của APEC. Cùng với đó, thông qua và đưa ra chỉ đạo đối với những đề xuất, sáng kiến mới của APEC nhằm đóng góp cho tiến trinh hợp tác chung của khu vực”, người đứng đầu Bộ Công Thương chia sẻ.
 
Thông tin từ Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, APEC không phải là tổ chức đàm phán mang tính chất ràng buộc mà là diễn đàn hợp tác mang tinh linh hoạt cao, dựa trên cơ sở ý nguyện chung của các nền kinh tế thành viên, song đây là nơi để thử nghiệm, là vườn ươm của những sáng kiến, đề xuất mới. Ngoài ra, APEC cũng là diễn đàn quan trọng giúp các thành viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và quan hệ song phương tại các dịp hội nghị, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao và các hội nghị cấp Bộ trưởng. 
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc