Bộ Công Thương: Thu gọn đơn vị hành chính, quy hoạch các trường đào tạo

11:36, 17/05/2017
|
(VnMedia) – Theo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ dự kiến sẽ sắp xếp, thu gọn được 5 đơn vị, từ 35 đơn vị hiện hành xuống còn 30 đơn vị.
 
Thu gọn nhiều đơn vị hành chính, sự nghiệp trong bộ máy của Bộ Công Thương
 
Hiện nay, ngành Công Thương đang triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 1 tháng 12 năm 2014 với những mục tiêu tạo nhiều việc làm đòi hỏi trình độ cao, giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.
 
Theo đó, Bộ Công Thương là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có những ngành, lĩnh vực rất quan trọng như công nghiệp điện, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế... 
 
Để thực hiện tốt được chức năng quản lý nhà nước theo phân công của Chính phủ, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, trong những nhiệm kỳ trước, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, kiến nghị Chính phủ tổ chức sắp xếp bộ máy hoạt động của Bộ Công Thương theo hướng thu gọn đầu mối (trước khi hợp nhất, Bộ Công nghiệp có 14 đơn vị hành chính, Bộ Thương mại có 19 đơn vị hành chính), hợp nhất các cơ quan báo chí của Bộ. Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đang có 35 đơn vị hành chính, sự nghiệp, trong đó có 19 Vụ và tương đương, 1 Tổng cục, 10 Cục.
 
Bộ máy của Bộ Công Thương giai đoạn trước chủ yếu được sắp xếp theo hướng cơ học, hợp nhất các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp của hai Bộ: Công nghiệp và Thương mại, cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức các đơn vị tham mưu về các lĩnh vực chuyên ngành. Nguyên tắc sắp xếp này có ưu điểm là giữ được ổn định tổ chức, bộ máy cũng như công tác nhân sự, đảm bảo sự “an toàn” trong tổ chức, thực thi chức năng, nhiệm vụ của Bộ cũng như công tác cán bộ.
 
Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công Thương đang phải tập trung vào mục tiêu kiện toàn bộ máy tổ chức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
 
Với phương châm thực hiện tổ chức sắp xếp bộ máy như trên, Bộ Công Thương đã hoàn thiện xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ để thay thế Nghị định 95/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương trình Chính phủ. Theo đó, đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ dự kiến sẽ sắp xếp, thu gọn được 5 đơn vị (còn 30 đơn vị so với 35 đơn vị hiện hành).
 
Bên cạnh đó, việc sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ cần phải được đẩy mạnh trong thời gian tới. 
 
Hiện nay, Bộ Công Thương đang được giao quản lý 11 Viện nghiên cứu, 35 Trường đào tạo trực thuộc Bộ, không kể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ.
 
Quy hoạch lại các trường đào tạo thuộc Bộ Công Thương
 
Bộ Công Thương cho biết, để thực hiện sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, Bộ đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các Trường đào tạo thuộc Bộ theo nguyên tắc, sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các cơ sở đào tạo nhằm tập trung nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương, các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp và thương mại được ưu tiên phát triển.
 
Cùng với đó, tinh gọn đầu mối quản lý, giao tối đa quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo; tổ chức lại hệ thống các cơ sở đào tạo trên cơ sở chọn các trường có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học làm hạt nhân, mở rộng hoạt động của các trường này thông qua việc tiếp nhận các trường khác theo hình thức sáp nhập, lập phân hiệu phù hợp với quy định của pháp luật. 
 
Đối với Viện nghiên cứu thuộc Bộ, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, Bộ đã và đang thực hiện thí điểm cổ phần hóa một số Viện nghiên cứu đủ điều kiện theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ tổng kết, đánh giá và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, xã hội hóa hoạt động của các Viện nghiên cứu.
 
Cùng với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhất cơ cấu biên chế công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, đảm bảo khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của Bộ.
 
Trong công tác cán bộ, chú trọng, ưu tiên bố trí, sử dụng các cán bộ lãnh đạo trẻ, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, tạo lực lượng nòng cốt trong công tác cán bộ. Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch nhân sự lãnh đạo các cấp của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020, tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2021-2026. 
 
Tiến hành rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về công tác bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ. Điều này góp phần đảm bảo cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự được tiến hành công khai, minh bạch đúng quy định, đảm bảo lựa chọn được người có tài, có đức, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của Chính phủ kiến tạo và phát triển.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc