Bất ngờ với năng suất lao động trong ngành công nghiệp Việt Nam

15:59, 31/05/2017
|
(VnMedia) – Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, hiện năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và trong khu vực. Điển hình, năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần.
 
Sáng nay (31/5), Hội thảo quốc gia về “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững” do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) đã diễn ra tại Hà Nội.
 
Việt Nam luôn ở trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao
 
Đưa ra những thành tựa quan trọng của ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua, ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong 10 năm qua, công nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựa nổi bật. 
 
Dẫn chứng về vấn đề này, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp Việt Nam sau 10 năm qua tăng cao gấp 3,5 lần, từ 0,34 triệu tỷ đồng lên 1,17 triệu tỷ đồng với tỷ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31 – 32%, trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước.
 
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, công nghiệp luôn là ngành xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam với tỷ trọng ở mức xấp xỉ 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước qua các năm. Cơ cấu xuất khẩu của các ngành công nghiệp dịch chuyển theo hướng tích cực với tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ mức 46,7% năm 2000 lên 97,3% vào năm 2015. Trong khi đó, nhóm ngành khoáng sản giảm liên tục, từ 22% vào năm 2007 xuống còn 7,7% vào năm 2010 và 2,7% vào năm 2015.
 
Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và trong khu vực. Ảnh minh họa
Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và trong khu vực. Ảnh minh họa
Trong những năm gần đây, các ngành như điện tử, dệt may và da giày đã trở thành 3 ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, với tỷ trọng chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
 
Đồng tình với ý kiến này, ông Dương Duy Hưng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương cũng cho hay, sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng, Việt Nam luôn ở trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao. 
 
“Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong mười năm qua đạt 7,3%/năm, mức cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân (trung bình của toàn nền kinh tế là 6,4%). Trong giai đoạn 2011 – 2015, Top 5 ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất gồm ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp da giày, xe có động cơ, công nghiệp dệt, công nghiệp giấy và ngành công nghiệp kim loại”, ông Hưng cho biết.
 
Một điểm đáng chú ý nữa cũng được lãnh đạo Bộ Công Thương đưa ra là, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cho ngành công nghiệp trong 10 năm qua đã tăng cao gấp 3 lần và luôn chiếm xấp xỉ 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chỉ sau ngành dịch vụ (xấp xỉ 50%). Công nghiệp là lĩnh vực thu hút nhiều FDI và ngành hội nhập mạnh mẽ nhất trong thời gian qua về quy mô vốn đầu tư (tăng 5 lần từ 65,6 nghìn tỷ đồng lên 318,1 nghìn tỷ đồng) và tỷ  trọng (từ 16,2% lên 23,3%)).
 
Năng suất lao động đang bị bỏ xa so với các nước phát triển
 
Mặc dù ngành công nghiệp đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong thời gian vừa qua, nhưng theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của ngành này đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm của giai đoạn 2006 – 2010 giảm xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011 – 2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp.
 
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và trong khu vực. Theo đó, năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần. 
 
So với các nước đang phát triển trong khu vực thì Malaysia cao gấp 6,5 lần, Thái Lan và Philippines cao gấp 1,5 lần. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015.
 
“Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người. Đây là những vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
 
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Duy Hưng cho biết, ngành công nghiệp Việt Nam có năng suất lao động cao so với năng suất chung của toàn nền kinh tế, tuy nhiên chủ yếu tập trung và các ngành công nghiệp với công nghệ thấp và trung bình.
 
Theo ông Hưng, nếu Việt Nam không cải tiến công nghiệp và dịch chuyển nhanh sang các ngành công nghiệp công nghệ cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ khó có cơ hội để cải thiện tốc độ tăng trưởng. 
 
“Việt Nam cần lựa chọn một số ngành công nghiệp có quy mô lớn và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế để tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng như dệt may, da giày, ngành công nghiệp thực phẩm, hóa chất và giá trị gia tăng như dệt may, da giày, ngành công nghiệp thực phẩm, hóa chất và các sản phẩm hóa chất, cơ khí...”, ông Hưng nói.
 
Yến Nhi

Ý kiến bạn đọc