Táo Mỹ, Pháp siêu rẻ tràn vào Việt Nam

09:28, 14/04/2017
|

Tuy được mua trái cây ngoại với giá rẻ nhưng không ít người tiêu dùng lo ngại về chất lượng sản phẩm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chị Ngọc Anh, nhà ở quận Phú Nhuận, TP. HCM, tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy giá nhiều loại trái cây nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Pháp, New Zealand rẻ bất ngờ.

“Nếu so với đầu năm, giá nhiều loại trái cây ngoại rẻ hơn ít nhất 20%-30%. Không chỉ vậy, nếu trước đây trái cây ngoại thường được xếp ngay ngắn, đẹp mắt trên kệ ở các siêu thị thì nay có khi đổ thành đống với đủ các chủng loại” - chị Anh nói.

Rủ nhau đi mua trái cây ngoại

Tại Siêu thị Big C, giá năm loại táo nhập từ Pháp chỉ gần 40.000 đồng/kg. Táo gala nhập từ Mỹ giá cũng chưa tới 50.000 đồng/kg. Tương tự một ký lê Hàn Quốc chỉ khoảng 60.000 đồng.

Không chỉ tại các siêu thị mà ở nhiều chợ đầu mối, trang web, cửa hàng bán lẻ trái cây nhập khẩu giá rẻ cũng ê hề. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thông tin: Mỗi ngày có khoảng 3.000 tấn trái cây đưa về chợ tiêu thụ, trong đó trái cây ngoại nhập khẩu chiếm 25%-30%.

Giá một số loại trái cây ngoại bán tại chợ này rất rẻ. Đơn cử, một ký quýt Úc chỉ 26.000 đồng. Táo Mỹ hồi đầu năm 100.000-140.000 đồng/kg, nay giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg. Táo các nước khác nếu mua cả thùng lớn (loại 20 kg/thùng) giá có khi chỉ 30.000 đồng/kg.

“Thời điểm này các loại quả trên đang vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng nhiều nên họ xuất bán sang Việt Nam (Việt Nam)” - bà Hà nhận định.

Thấy giá trái cây ngoại rẻ nên nhiều người rủ nhau đi mua. Tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, có khi cùng một loại trái cây nhập khẩu nhưng mỗi nơi lại bán một giá khác nhau, thậm chí chênh lệch tới hàng trăm ngàn đồng.

Trái cây ngoại chất đống tại các siêu thị. Ảnh: QUANG HUY
Trái cây ngoại chất đống tại các siêu thị. Ảnh: QUANG HUY

Đua nhau nhập khẩu

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, cho rằng trước đây trái cây ngoại nhập giá cao ngất ngưởng là do bị “thổi giá”, đánh vào tâm lý sính hàng ngoại của người Việt. Hơn nữa, những năm trước chỉ có một số đơn vị nhập khẩu, số lượng nhập về ít. Nay có hàng trăm đơn vị nhập khẩu rau quả khiến tính cạnh tranh tăng với số lượng nhập khẩu lớn, chi phí giảm. Từ đó các công ty nhập khẩu buộc phải giảm giá, đưa giá trái cây ngoại về đúng giá trị thực của nó.

Ông Tùng dẫn chứng, táo gala tại Mỹ giá chưa tới 1 USD/kg, nếu tính thêm phí vận chuyển về cảng Việt Nam giá cũng chỉ hơn 22.000 đồng/kg. Do đó, khi bán lẻ đến tay người tiêu dùng giá khoảng 40.000-50.000 đồng/kg là đã có lợi nhuận lớn.

Ngoài ra, nhiều nước mà Việt Nam đang nhập khẩu trái cây như Mỹ, Úc, New Zealand có nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao và sản xuất với quy mô lớn nên chi phí sản xuất thấp kéo theo giá sản phẩm rẻ.

“Một yếu tố quan trọng khiến trái cây ngoại nhập có thể bán giá rẻ là nhờ công nghệ bảo quản lạnh rất tốt. Ví dụ quả táo từ khi vừa thu hoạch đến khi vận chuyển, xuất khẩu đều được bảo quản lạnh. Nên khi về Việt Nam, sản phẩm này được bày bán trong môi trường lạnh tại các siêu thị, cửa hàng thì quả táo có thể tươi trong 6-7 tháng” - ông Tùng nói.

Chỉ lo hàng Trung Quốc trà trộn

Tuy được mua trái cây ngoại với giá rẻ nhưng không ít người tiêu dùng lo ngại về chất lượng sản phẩm, nhất là hàng quá hạn sử dụng. Bởi thông thường trên mỗi sản phẩm chỉ dán tem rất dễ bóc, không có niêm phong. Do vậy, người bán có thể lợi dụng điều này để sử dụng một bộ hồ sơ nhập khẩu cho nhiều lô hàng khác nhau.

Thậm chí một đơn vị nhập khẩu còn cảnh báo không loại trừ khả năng nhà nhập khẩu trái cây dùng giấy tờ của lô hàng nhập khẩu từ Mỹ để trà trộn trái cây của Trung Quốc vào rồi bán ra thị trường.

Trước lo ngại về chất lượng trái cây ngoại nhập, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết ngoài kiểm tra ngoại quan bao gồm bao bì, nhãn mác (tem, nguồn gốc xuất xứ), các lô hàng còn được lấy mẫu kiểm tra chất lượng.

“Các lô hàng rau quả nhập vào Việt Nam đều được kiểm tra thường xuyên. Đồng thời các cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu còn kiểm dịch các lô hàng để ngăn chặn các loại sâu bệnh gây hại ngay từ cửa khẩu” - ông Trung nói.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, trái cây từ các nước châu Âu, Mỹ chủ yếu nhập chính ngạch vào Việt Nam bằng đường biển, hàng không nên giấy tờ truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, lo nhất vẫn là chất lượng trái cây Trung Quốc và Thái Lan vì nhập khẩu chính ngạch thì ít mà tiểu ngạch thì nhiều, vận chuyển đường bộ qua cửa khẩu nên khó kiểm soát chất lượng.

“Do vậy cần kiểm chặt đầu vào chất lượng từ các cửa khẩu, đồng thời thông tin công khai về các loại trái cây vi phạm như chứa các chất độc hại để người dùng biết. Đặc biệt, nếu chặn được trái cây Trung Quốc độc hại thì tình trạng trà trộn làm giả trái cây ngoại nhập từ các nước khác mới không còn, người tiêu dùng mới yên tâm” - bà Hà nhấn mạnh.

Nhập trái cây tăng mạnh

Ông Nguyễn Hữu Đạt, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết nhập khẩu rau quả, nhất là trái cây vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 tăng mạnh. Cụ thể, theo số liệu từ ngành hải quan, giá trị nhập khẩu rau quả ba tháng đầu năm nay đạt 226 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, nhập khẩu trái cây từ Mỹ, New Zealand, Nam Phi, Úc… tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, nhập khẩu rau quả từ Nam Phi tăng 72%, New Zealand tăng 46%, Hàn Quốc tăng 68%, Mỹ cũng tăng gần 10%.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng trái cây ngoại nhập ảnh hưởng ít nhiều đến thị phần trái cây nội địa. Nhưng may mắn là Việt Nam có thế mạnh về trái cây nhiệt đới trong khi các nước lại chủ yếu trái cây ôn đới nên áp lực cạnh tranh chưa thực sự cao.

Tuy nhiên, ngành trái cây Việt Nam cần tìm giải pháp giảm giá thành sản phẩm. Ví dụ thành lập các HTX trái cây, trồng quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật công nghệ mới. Có như vậy mới giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành và giữ vững được thị trường nội địa.

Trong khi nhiều loại trái cây Mỹ giá rẻ thì vẫn có những loại giá rất cao. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, dẫn chứng trái cherry bán tại Mỹ chỉ khoảng 1 USD/kg nhưng về Việt Nam bán giá 20-25 USD/kg, có loại còn đắt hơn. Lý do là sản phẩm này khó trồng, phải vận chuyển bằng máy bay với phí cao, khó bảo quản.

Theo Pháp luật Online


Ý kiến bạn đọc