Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

10:16, 19/04/2017
|
(VnMedia) - Ngày 18/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (“Dự thảo Nghị định”). 
 
Tọa đàm có sự tham gia của cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định là Bộ Giáo dục và Đào tạo (có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, các Cục, Vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo); các cơ quan liên quan (Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế); đại diện các đại sứ quán của các các quốc gia có đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam như Mỹ, Úc, Anh, Indonesia, Liên bang Nga; các hiệp hội như Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; đại diện các trường, viện và các chuyên gia nhằm thu thập các ý kiến đóng góp toàn diện từ các góc nhìn khác nhau.
 
Các ý kiến này sẽ được tổng hợp và gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan có thẩm quyền liên quan nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo nghị định quản lý về hoạt động hợp tác và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. 
 
Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, đào tạo nguồn nhân lực là lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Một môi trường kinh doanh thuận lợi không chỉ là thủ tục hành chính nhanh chóng, cơ sở hạ tầng tốt mà còn cả chất lượng nguồn nhân lực. Đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn cả của khu vực tư nhân (bao gồm các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài). Chính phủ và các cơ quan quản lý ngành giáo dục đang nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy và học, tiến hành những cải cách nhằm đáp ứng nhu cầu về giáo dục ngày càng cao của người dân và đưa nền giáo dục Việt Nam tiến gần hơn các tiêu chuẩn giáo dục quốc tế.
 
Để làm được điều này, cần thiết phải có một môi trường pháp lý thuận lợi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
 
"Vì vậy, chúng tôi hy vọng hội thảo này sẽ tạo một cơ hội để các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục được chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm thực tiễn với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực này để góp phần xây dựng những chính sách phù hợp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Tạo môi trường đầu tư: Cần sửa một số điểm chưa phù hợp với xu thế phát triển ngành giáo dục 
 
Ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “ Chúng tôi mong muốn gặp những doanh nghiệp sẽ chịu tác động của nghị định này. Chúng tôi cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức giáo dục, bởi mục tiêu của Bộ khi soạn thảo nghị định này là nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bộ cũng đang thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, và rất mong muốn nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư”.
 
Theo ý kiến của các đại biểu tham dự, Dự thảo Nghị định đã có một số điểm sửa đổi phù hợp hơn với xu thế phát triển của ngành giáo dục như: Cho phép cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam có quyền cấp hoặc đề nghị cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống văn bằng chứng chỉ của nước ngoài, tuân thủ quy định của pháp luật nước ngoài; bỏ tỷ lệ học sinh Việt Nam tối đa được tiếp nhận trong các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; bỏ quy định về việc cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải có đất để xây dựng cơ sở vật chất... 
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng có chung ý kiến rằng một số điều khoản quy định về điều kiện đầu tư, quy trình cho phép thành lập và thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nên nhất quán với các quy định của Luật đầu tư, giảm thiểu những thủ tục rườm rà, lặp lại, đồng thời có chính sách mềm dẻo để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Ông Võ Thanh Bình, Trưởng Ban Tổ chức phát triển, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Về cơ bản, chúng tôi tán thành các nội dung đã được đề xuất trong dự thảo. Tuy vậy, còn một số vấn đề cần được quy định sát thực tế hơn, ví dụ như quy định về diện tích tối thiểu - 9 mét vuông cho một sinh viên - hiện nay đã trở nên không còn phù hợp với thực tế một số trường đại học sắp xếp hai, thậm chí ba ca học để đảm bảo hiệu quả và đáp ứng nhu cầu giáo dục. Bên cạnh đó, xu hướng ứng dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy và học tập cùng với những khoá học trực tuyến cho phép nhiều học viên có thể tham gia các khoá học từ xa, làm cho quy định này không còn phù hợp với thực tiễn. Một ví dụ khác như quy định mức tổng vốn đầu tư của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài cần được cân nhắc kỹ lưỡng để có thể khuyến khích đầu tư vào cả các địa phương không phải là các thành phố lớn của Việt Nam”.
 
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Kim Dung, thành viên Nhóm Công tác giáo dục, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nêu lên một vấn đề khá được quan tâm - đó là quy định về các môn đào tạo bắt buộc tại các cơ sở đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài:  “Chúng tôi hoan nghênh định hướng của Chính phủ về giáo dục toàn diện cho công dân, bao gồm cả giáo dục về tư tưởng chính trị và quốc phòng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng quy định này, hiện được đưa ra trong dự thảo là các nội dung đào tạo bắt buộc, là  không phù hợp với các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài và các chương trình liên kết đào tạo vì chương trình đào tạo của các cơ sở này đã được thiết kế, phê duyệt và kiểm định chất lượng bởi các cơ quan quản lý giáo dục ở nước ngoài, và được áp dụng chung cho tất cả sinh viên, bao gồm cả sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài học tại trường. Việc đưa vào các nội dung bắt buộc tại các cơ sở này sẽ không những không phù hợp với đa số các sinh viên nước ngoài học tập tại đây mà còn làm phát sinh thêm một khối lượng lớn công việc về thiết kế và phê duyệt lại các chương trình đào tạo, gây nên khả năng một số cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài và chương trình liên kết không thể thiết kế lại hay kéo dài các chương trình đào tạo của họ và phải rút chương trình đó khỏi Việt Nam".
 
"Vì vậy, chúng tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét lại quy định này hoặc đề ra các giải pháp phù hợp hơn, ví dụ như yêu cầu các sinh viên Việt Nam phải học các môn bắt buộc trước khi bắt đầu vào học đại học, và buộc phải hoàn thành các môn học này trước khi đăng ký vào học tại các cơ sở đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các chương trình liên kết với nước ngoài”, bà Dung mong muốn.
 
Ông Phan Mạnh Hùng, Giám đốc pháp chế, Tập đoàn Giáo dục KinderWorld Việt Nam đưa ra ý kiến liên quan đến Luật đầu tư: “Trong dự thảo hiện tại, sự phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài còn chưa rõ ràng, đồng thời khái niệm về trường học và công ty đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chưa được quy định rõ khi trong thực tế cơ cấu quản lý của trường học và công ty là hoàn toàn khác nhau”.
 
Phản hồi những ý kiến góp ý tại hội thảo, bà Đào Thị Hồng, Vụ Pháp luật Dân sự kinh tế, Bộ Tư Pháp cho rằng đối với những cơ sở giáo dục đã thành lập và đang hoạt động theo các quy định pháp luật trước đây thì về mặt pháp lý sẽ được tiếp tục hoạt động chuyển tiếp khi có các quy định mới. Ngoài ra nghị định này có liên quan mật thiết đến Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp và cần có những ý kiến góp ý tổng hợp từ nhiều bên liên quan.
 
Hội thảo đã thu hút được sự chú ý của tất cả các đơn vị liên quan, với nhiều ý kiến xác thực của các cơ quan quản lý, chuyên gia về giáo dục, chuyên gia về luật pháp cũng như ý kiến của chính những cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
 
Tiến Vinh

Ý kiến bạn đọc